Ngày 2-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp bàn về việc bồi thường thiệt hại do tàu cá vỏ thép vừa đóng mới theo Nghị định 67/CP bị hư hỏng phải nằm bờ trong một thời gian dài chờ sửa chữa. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn chưa đi đến thống nhất.
Sẵn sàng ra tòa
Đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định), 5 chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời gian trước khi đưa lên đà sửa chữa với số tiền hơn 5,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty này chỉ chấp nhận hỗ trợ mỗi chủ tàu 86 triệu đồng và lãi suất vay vốn ngân hàng trong thời gian tàu lên đà sửa chữa.
Ông Bùi Hữu Hùng (cầm micro) khẳng định Công ty Nam Triệu không có trách nhiệm bồi thường, đền bù thiệt hại cho ngư dân
Theo ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, thời gian qua, công ty của ông đã thực hiện việc bảo hành, sửa chữa những hư hỏng theo đúng hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Việc yêu cầu bồi thường của 5 chủ tàu là không có căn cứ. "Chúng tôi thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên nên sẵn sàng ra tòa nếu ngư dân khởi kiện" - ông Nguyên nói.
Tương tự, 14 chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng) đóng cũng yêu cầu bồi thường thiệt hại và hỗ trợ hơn 36,5 tỉ đồng trong thời gian tàu nằm bờ. Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, khẳng định công ty của ông không có trách nhiệm bồi thường, đền bù. "Khi xảy ra sự cố, công ty chúng tôi đã hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho từng chủ tàu; thay thế, sửa chữa, bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng, yêu cầu của từng chủ tàu. Vì vậy, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của 14 chủ tàu là không có căn cứ. Chúng tôi chỉ đồng ý hỗ trợ một số khoản để chia sẻ khó khăn với 14 chủ tàu bị thiệt hại" - ông Hùng khẳng định.
Hỗ trợ ngư dân khởi kiện
Bức xúc trước việc chối bỏ trách nhiệm của 2 đơn vị đóng tàu trên, nhiều chủ tàu khẳng định sẽ khởi kiện ra tòa. "Tàu tôi vừa hạ thủy chưa được bao lâu đã hư hỏng nặng, nằm bờ gần cả năm, gây thiệt hại hơn 1,6 tỉ đồng. Vậy mà đơn vị đóng tàu lại chối bỏ trách nhiệm bồi thường, chỉ hỗ trợ vài chục triệu đồng thì không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ đưa vụ việc này ra tòa" - ông Nguyễn Văn Lý (chủ tàu BĐ-99004 TS) khẳng định.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết đây là cuộc họp cuối cùng bàn về vấn đề trên. Thời gian tới, UBND các huyện có tàu vỏ thép bị hư hỏng sẽ đứng ra tổ chức các cuộc họp để hai bên tiếp tục thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng nữa, nếu hai bên vẫn không thống nhất chuyện bồi thường, các cơ quan chức năng của địa phương sẽ hỗ trợ pháp lý cho ngư dân khởi kiện.
" Đến nay đã có 27 cuộc họp liên quan đến việc tàu vỏ thép bị hư hỏng, riêng vấn đề bồi thường thiệt hại do tàu bị hư hỏng đã trải qua 5 cuộc họp nhưng chưa đi đến thống nhất" - ông Phan Trọng Hổ nói.
Bình luận (0)