Ngày 5-4, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết ông Nguyễn Viết Thái, Phó giám đốc Sở này, vừa ký văn bản gửi UBND huyện Thọ Xuân về việc thực hiện các biện pháp khắc phục hiện tượng cá chết bất thường trên sông Chu, đoạn chảy qua địa bàn huyện từ ngày 16 đến 19-3.
Cá của người dân nuôi cá lồng chết bất thường trên sông Chu
Theo sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, ngay sau khi nhận được thông tin cá chết, sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y vào cuộc. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm các mẫu cá chết, mẫu môi trường nước tại thời điểm lấy mẫu (lúc 12 giờ ngày 16-3) cho thấy hàm lượng N-NO3 trong nước cao hơn tiêu chuẩn; mẫu cá có nhiễm vi khuẩn Pseudomonas sp - đây là loại vi khuẩn gây chết trên cá.
Tuy nhiên, đối với 2 tác nhân này chỉ gây hiện tượng cá chết với tỷ lệ thấp và chậm, còn đối với hiện tượng cá chết nhanh, tỉ lệ cao như trên tại thời điểm lấy mẫu có thể tác nhân chính không còn hiện hữu.
Để khắc phục nguyên nhân cá chết và giảm thiểu thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng trên sông Chu, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục hiện tượng cá chết trên sông Chu đoạn qua địa bàn xã Xuân Thiên và Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân; đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân gây cá chết bất thường trên để có giải pháp xử lý kịp thời.
Dòng nước chảy ra sông Chu đen ngòm, nổi bọt trắng có mùi hôi thối khiến người dân nghi ngờ là nguyên nhân dẫn tới cá chết hàng loạt
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 16-3, tại các xã Xuân Thiên, Thọ Lâm, Xuân Bái... huyện Thọ Xuân, người dân nuôi cá lồng dọc sông Chu nghe tiếng cá vùng vẫy bất thường nên kiểm tra và phát hiện cá ngoi lên mặt nước ngửa bụng dày đặc. Người dân nghi ngờ cá chết do phía thượng nguồn có cống xả thải của Nhà máy Giấy Mục Sơn nước chảy ra đen ngòm, nổi bọt trắng và bốc mùi hôi thối.
Nhận được tin báo, ngay trong ngày, UBND xã Xuân Thiên đã báo cáo UBND huyện Thọ Xuân và huyện đã cử cán bộ xuống hiện trường ghi nhận thực tế; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu nước, mẫu cá chết để làm rõ nguyên nhân.
Qua thống kê, UBND huyện Thọ Xuân xác định từ ngày 16 đến ngày 19-3, tại các khu vực nuôi cá lồng trên sông Chu qua các xã Xuân Thiên, Thọ Lâm, Phú Xuân, Thọ Hải, Thuận Minh, Xuân Hòa và Xuân Tín xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng trên sông Chu chết hàng loạt (chủ yếu là cá trắm cỏ), tổng số hộ bị thiệt hại là 62 hộ với số lượng cá chết là hơn 11 tấn.
Bình luận (0)