Sáng 29-5, Quốc hội (QH) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng. 18 đại biểu (ĐB) phát biểu, trong đó có 7 ĐB tranh luận.
Khó khả thi
Một trong những nội dung được ĐB tranh luận nhiều nhất là điểm d, khoản 2, điều 26 của dự thảo quy định các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng trên lãnh thổ Việt Nam (VN) phải lưu trữ ở VN đối với thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại VN và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại VN.
ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc một số điều khoản để tránh chồng chéo không cần thiết về quản lý nhà nước, tránh đặt ra quá nhiều rào cản dẫn đến gánh nặng tuân thủ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích được thụ hưởng dịch vụ tốt, chính đáng của người dân.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy đề nghị cân nhắc một số điều khoản trong dự thảo Luật An ninh mạng để tránh chồng chéo
ĐB Thủy đánh giá quy định nói trên là "khó khả thi", không phù hợp thực tiễn, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp (DN) và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân trong trường hợp DN nước ngoài không thực hiện việc đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại VN.
Ngoài ra, ĐB Thủy nhấn mạnh quy định này sẽ không đúng với các cam kết của tổ chức quốc tế, thương mại thế giới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam đã ký kết.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đặt vấn đề khi đã đưa ra quy định này mà các DN nước ngoài như Google hoặc Facebook không thực hiện thì giải pháp của chúng ta là gì? Liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ VN hay không? Ông Thưởng đề nghị có quy định phù hợp với thực tiễn cũng như những cam kết của VN với nước ngoài và pháp luật quốc tế.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) thì cho rằng hiện có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Trung Quốc, Úc… Như vậy, thông lệ quốc tế đã có. Về cam kết quốc tế, qua rà soát các bản cam kết quốc tế thì đều có những quy định ngoại lệ về an ninh. 18 quốc gia trên đều là những thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và họ đã quy định như vậy thì rõ ràng chúng ta không có điều gì vi phạm.
Về văn phòng đại diện, Google hay Facebook, ông Đức cho rằng Facebook đã có 80 văn phòng đại diện ở các quốc gia trên thế giới và 70 văn phòng đại diện ở các khu vực trên thế giới nên rõ ràng chúng ta không có gì ngại trong vấn đề này.
Lo nhũng nhiễu
ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của QH, đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cân nhắc các quy định về thẩm quyền, thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng liên quan đến các tổ chức là DN, bởi theo quy định của dự thảo tại điều 24 thì lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an.
Dẫn chiếu đến điểm c khoản 3 điều 12 cho thấy đối tượng bị kiểm tra, đánh giá bao gồm cả thông tin được lưu trữ, chuyển tải trong hệ thống thông tin. Quy định này có thể dẫn tới khả năng xảy ra xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật người dùng dịch vụ, ứng dụng của DN.
"Vì vậy, DN và người sử dụng dịch vụ ứng dụng của DN đều đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin riêng tư vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia mà không có lựa chọn nào khác" - ĐB Phương Tuấn lo lắng.
Vị ĐB này nhấn mạnh việc trao cho lực lượng chuyên trách an ninh mạng kiểm tra, đánh giá an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được đề cập trong điều 24 là chưa phù hợp. Nguy cơ bị lạm quyền, bị nhũng nhiễu của người dân, DN là rất cao nếu điều khoản này được áp dụng.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết rất băn khoăn bởi có nhiều nội dung quy định chưa rõ ràng, còn thừa. Chúng ta phải chính xác các điều luật, cụ thể, không nên lạm dụng quy định quá nhiều nội dung vào rồi cuối cùng lại không thực tiễn.
Thay mặt cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cảm ơn các ĐB phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm và có những ý kiến sâu sắc. Tuy nhiên, ông đề nghị QH "xin giữ như dự thảo". Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính chặt chẽ, đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đồng thời phải phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, tránh tạo ra các thủ tục không cần thiết gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, quyền tiếp cận thông tin của người dân và DN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ trả lời chất vấn
Ngày 29-5, bên hành lang QH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước QH tại kỳ họp này. Đây là lần đầu tiên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng đăng đàn trong một phiên chất vấn của QH khóa XIV (từ ngày 4 đến 6-6, gồm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và bộ trưởng các bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội).
Bốn nhóm vấn đề được chất vấn gồm: Quản lý đất đai tại các TP lớn; BOT giao thông; chất lượng giáo dục ĐH, giáo dục phổ thông, quản lý giáo dục mầm non, tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục; thực trạng thị trường lao động.
V.Duẩn
Cảnh sát biển chưa hiện đại; đặc xá quá nhiều
Phát biểu trong phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Cảnh sát biển và dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng về các chính sách đối với cảnh sát biển, ngoài việc đầu tư về kỹ thuật, vũ khí, trang bị hiện đại, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đầu tư yếu tố con người vì đây là lực lượng "đầu sóng ngọn gió", đối phó với các tình huống nhạy cảm, xử lý những việc phức tạp trong bối cảnh tình hình biển Đông có xu hướng căng thẳng tăng lên do lợi ích của các quốc gia trên biển. Phát triển du lịch trên địa bàn vùng biển phải bảo đảm an toàn biển về an ninh quốc gia, phát triển bền vững, bảo đảm quyền tiếp cận biển và sinh kế của người dân. Khắc phục bằng được tình trạng xây dựng quá nhiều resort, khách sạn ven biển làm người dân bức xúc và gây khó khăn cho công tác bảo vệ biển.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Doãn Anh (Hà Nội) cho rằng hiện nay, trang bị về phương tiện cho cảnh sát biển tuy đã cải thiện nhưng còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để lực lượng này xây dựng căn cứ, có quy định về diện tích đất ven biển, tránh tình trạng giao hết bờ biển cho phát triển các dự án du lịch.
ĐB Lâm Đình Thắng (TP HCM) nêu quan điểm sự kiện giàn khoan HD981 cho thấy lực lượng cảnh sát biển còn thiếu nhiều phương tiện. Do đó, nhà nước cần hiện đại hóa nhanh chóng phương tiện cho cảnh sát biển cùng với tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho họ. Trung Quốc công bố xây dựng 20 nhà máy hạt nhân nổi và trước đó có nhiều giàn khoan di động. Do đó, VN cần có các phương tiện di động để bảo đảm an ninh chủ quyền trong phạm vi chủ quyền theo luật pháp quốc tế.
Thảo luận nội dung dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), đa số ĐB thống nhất quan điểm chỉ nên đặc xá 2 năm hoặc 3 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2-9 thay vì thực hiện nhân sự kiện trọng đại và ngày lễ lớn của đất nước. ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội) nhận xét tổng kết 10 lần thực hiện Luật Đặc xá cho thấy đã có tổng cộng 7 lần đặc xá cho hơn 87.000 người. Trong đó, chỉ có một lần thực hiện vào dịp Tết nguyên đán, còn lại đều vào dịp 2-9. Còn theo Thiếu tướng Ngô Minh Châu (đoàn ĐBQH TP HCM), nếu thực hiện đặc xá vào cả 3 dịp như nêu trên thì trung bình cứ 1 năm rưỡi lại có một lần đặc xá, mỗi lần hàng chục ngàn người thì còn mang ý nghĩa đặc xá hay không? Quan trọng là khi người được đặc xá trở về cộng đồng có trở thành người tốt hay không mới thấy được giá trị của đặc xá, để khuyến khích người khác chấp hành án tốt hơn.
T.Hà
Bình luận (0)