Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 1-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội. Phải duy trì việc lưu thông hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong nước và cả xuất khẩu; đặc biệt, xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Tuy nhiên, một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh đã thắt chặt kiểm soát, thậm chí "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Đổ đất chặn đường
Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đã ban hành văn bản chỉ đạo lập chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào địa phương. Theo đó, chỉ cho vào TP những người thực thi công vụ; công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn vào TP. Theo ghi nhận của phóng viên, tại chốt kiểm soát trạm thu phí nút giao An Lão - Hải Phòng (đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), lực lượng chức năng kiểm tra 100% phương tiện cá nhân, xe tải di chuyển qua trạm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 2-4, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết khi người ngoại tỉnh hoặc đi từ vùng dịch đến phải xác minh lý do vào TP, nếu chính đáng thì sẽ được đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế. Đối với những trường hợp xác định không được vào TP thì ngay lập tức quay đầu xe, không cần khai báo y tế.
Một chốt kiểm soát người, phương tiện vào địa bàn tỉnh Quảng Nam để phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: TRẦN THƯỜNG
"Đối với một số kiến nghị của các chủ phương tiện về việc các chốt kiểm soát được đặt sau các trạm thu phí đường cao tốc là không hợp lý, bởi các phương tiện thanh toán đầy đủ phí đường cao tốc, sau đó buộc phải quay đầu xe, UBND TP yêu cầu Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí địa điểm lập chốt phù hợp" - ông Tùng cho hay.
Cũng theo ông Tùng, trước đây, toàn TP có 32 chốt nhưng hiện nay, để đáp ứng an ninh trong tình hình mới, TP đã tăng lên 120 chốt, đồng thời tăng số lượng người so với trước đây. Ngoài ra, TP còn tăng cường phương tiện và nhân lực cho lực lượng cảnh sát cơ động để tuần tra, kiểm soát người dân trên các tuyến phố sau 22 giờ hằng ngày. Trong các ngày đầu, công an sẽ nhắc nhở nhân dân chấp hành việc không ra khỏi nhà sau 22 giờ. Từ ngày 5-4, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở tỉnh Quảng Ninh. Thậm chí, một số tuyến đường nối xã Bằng Cả (TP Hạ Long) với phường Vàng Danh (TP Uông Bí), xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) với xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) đã được chính quyền đổ đất thành lũy nhằm ngăn người dân qua lại.
Dừng cả taxi là không hiểu đúng Chỉ thị 16
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định các biện pháp kiểm soát mang tính "ngăn sông cấm chợ" như các địa phương nêu trên là không đúng. "Các địa phương làm như thế là không hiểu đúng tinh thần của Chỉ thị 16 cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng. Những nơi nào đã làm phải dừng lại ngay, bảo đảm giao thông cho mọi người, nhất là phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại, phục vụ nhân dân" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết đã gọi điện trực tiếp cho một số chủ tịch tỉnh để trao đổi về các biện pháp nêu trên.
Tái khẳng định cách ly xã hội không phải là "ngăn sông cấm chợ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định có thể nhiều địa phương muốn quản lý chặt, cố gắng hạn chế đi lại trong 15 ngày. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ là vẫn duy trì các hoạt động kinh tế.
"Ví dụ như quy định cấm taxi của một số nơi nhưng Chỉ thị 16 nói về tạm dừng vận tải công cộng, còn xe cá nhân, taxi thì không thuộc diện này, có thể họ hiểu chưa đầy đủ" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và lý giải việc dừng hoạt động xe công cộng, xe chở khách liên tỉnh không có nghĩa là dừng cả taxi vì loại hình hoạt động này chưa có nguy cơ lây lan dịch cao.
Không cấm đi lại, khuyến cáo ở nhà
Để thống nhất trên cả nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện cách ly xã hội. Đối với việc kiểm soát phương tiện, dừng hay hoạt động loại phương tiện nào, Văn phòng Chính phủ sẽ sớm trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải để có hướng dẫn cụ thể.
Về việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ không cấm nhưng khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà.
Quảng Nam: Dân khoan về quê, tỉnh sẽ hỗ trợ
Tỉnh Quảng Nam vừa qua cũng đã ban hành công văn yêu cầu các ngành chức năng quản lý chặt chẽ người ngoài tỉnh đến Quảng Nam. Trong đó xác định TP Hà Nội và TP HCM là 2 vùng dịch trọng điểm. Những người đến từ 2 địa phương này phải thực hiện cách ly tập trung và giám sát y tế có thu phí.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho hay 2 ngày qua, có trên 200 người ở các tỉnh, thành phía Nam đi xe máy hoặc ôtô riêng về Quảng Nam. Ông kêu gọi người dân Quảng Nam xa xứ không nên về quê vào thời điểm này và cho biết đã bàn với ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Nam ở TP HCM, thống kê những lao động khó khăn, con em học sinh, sinh viên đang học tập, làm việc tại TP HCM để có hướng hỗ trợ.
"Cùng với gói 30.000 tỉ đồng từ trung ương hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng gặp khó khăn, nguồn từ các nhà hảo tâm, tỉnh sẽ trích kinh phí để hỗ trợ cho con em gặp khó khăn ở TP HCM, TP Hà Nội qua đợt này. Bà con yên tâm ở lại, đừng có về vào thời điểm này rất dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo cho cộng đồng" - ông Cường kêu gọi.
Tr.Thường
Đến Kon Tum là bị cách ly (!?)
Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum ra Công điện số 05 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung: "Tất cả những người đến/về địa bàn tỉnh Kon Tum từ sau 0 giờ ngày 1-4 phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, xác minh làm rõ là công dân của tỉnh hay công dân ngoài tỉnh, mục đích đến tỉnh, lập danh sách, đưa vào cách ly tập trung (bố trí ở khu vực riêng biệt để tránh lây chéo); đối với trường hợp có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thôi cách ly thì cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà".
Trong ngày 1-4, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã triển khai lực lượng làm việc tại nhiều cửa ngõ ra/vào tỉnh. Đã có hàng trăm người vào Kon Tum bị đưa đi cách ly. Điều này khiến người dân đang có ý định đi vào hoặc qua tỉnh Kon Tum hết sức lo ngại. Thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng nếu thực hiện cách ly với tất cả mọi người như thế sẽ dẫn đến tình trạng "vỡ trận".
Cũng ngay trong ngày 1-4, ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, có Công văn số 1118/BC-BCĐ xử lý các trường hợp vào tỉnh Kon Tum. Trong đó quy định từ 0 giờ ngày 1-4 sẽ không để người, phương tiện vận chuyển ra/vào địa bàn tỉnh Kon Tum trừ những trường hợp lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc, vật tư y tế và các trường hợp được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh.
Đối với những trường hợp đặc biệt như người hoặc phương tiện vận chuyển người đã xuất phát từ các tỉnh/thành có người nhiễm Covid-19 mà lịch trình có điểm dừng cuối cùng trên địa bàn tỉnh thì sẽ đưa vào cách ly tập trung. Nếu xuất phát từ các tỉnh/thành không có người nhiễm Covid-19 thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà và thông báo chính quyền địa phương quản lý, giám sát. Trường hợp phương tiện chỉ đi qua tỉnh Kon Tum thì đi theo hành trình; không dừng, đỗ khi đi qua địa bàn, trừ những trường hợp bỏ hàng hóa.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 2-4, việc kiểm soát y tế và tổ chức cách ly đối với người vào tỉnh Kon Tum được thực hiện theo Công văn số 1118 nói trên.
H.Thanh
Bình luận (0)