Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu vừa chia sẻ về chuyến bay đặc biệt từ Ấn Độ về Việt Nam diễn ra cách đây vài giờ.
Đại sứ cho biết chỉ vài giờ trước khi lệnh đóng cửa biên giới của Chính phủ Ấn Độ có hiệu lực, theo đó các máy bay quốc tế không được phép hạ cánh tới bất kỳ sân bay nào của Ấn Độ thì tổng đài bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ nóng lên vì liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của bà con từ khắp các nơi trên Ấn Độ. Điện thoại, facebook cá nhân, viber của rất nhiều cán bộ, từ Đại sứ đến nhân viên dồn dập tin nhắn từ trong nước nhờ giúp đỡ người thân.
Những công dân Việt Nam chuẩn bị lên chuyến bay rời Ấn Độ - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
Trong số đó, người thì đang học thiền và Yoga tại Gujarat, Rishikesh, nay hai địa phương cấm không cho tổ chức các hoạt động đông người nên muốn về; người thì đang cùng bạn bè hành hương tới các di tích Phật giáo ở các vùng xa xôi (Kusinaga, Varanasi), nơi phương tiện đi lại ngày càng khó khăn; người thì đang theo các khóa tu tập tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya)... Rồi sinh viên đang học tập, người lao động đang làm ăn, sinh sống ở các TP lớn như New Delhi, Mumbai, Pune…
Họ lo vì visa thì sắp hết hạn mà đường về thì ngày càng khó. Các chuyến bay đã đặt vé, nay vì tình thế dịch bệnh Covid-19 đã bị hủy hết. Nhiều khách sạn Ấn Độ từ chối không nhận khách nước ngoài. Giờ mà kẹt thì biết ăn ở đâu? Có tiền còn không có chỗ ở thì những người không có đủ tài chính thì sao? Khó khăn chồng chất mà Ấn Độ nếu không được kiểm soát trong 30 ngày tới sẽ có nguy cơ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn được ví như "long trời lở tuyết". Ai cũng muốn về.
Hành khách xếp hàng chuẩn bị lên máy bay - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, một chiến dịch giải cứu nho nhỏ và thầm lặng đã diễn ra, không thể đếm được có bao nhiêu cuộc điện thoại, bao nhiêu tin nhắn liên tiếp. Và cuối cùng chuyến bay VJ972 đã cất cánh lúc 00 giờ 00 ngày 22-3 từ New Delhi, vừa vặn trước giờ G cấm xuất nhập cảnh các chuyến bay quốc tế tại Ấn Độ và hạ cánh an toàn ở Hà Nội vào sáng nay, chở theo hơn 220 người.
"Chúng tôi, những cán bộ trực tiếp làm công việc này thở phào nhẹ nhõm và đêm nay chắc sẽ ngủ ngon hơn dù biết rằng vẫn còn những người dân Việt chưa kịp về và phải ở lại đâu đó trên đất nước rộng lớn hơn 3 triệu km vuông này. Chúng tôi chỉ muốn nhắn với họ rằng họ hãy yên tâm vì Đại sứ quán thay mặt Nhà nước Việt Nam ở đây sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, những người con đất Việt- Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
Các chuyên gia cảnh báo rằng Ấn Độ có thể trở thành "điểm nóng" tiếp theo trên thế giới của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh Covid-19. Nguyên nhân vì họ đánh giá rằng những biện pháp kiềm chế dịch mà nhiều quốc gia khác thực hiện có nguy cơ không hiệu quả tại Ấn Độ.
Ấn Độ hiện có 322 ca nhiễm, 5 ca tử vong, trong đó chỉ riêng ngày 21-3 có thêm 83 ca nhiễm mới. Nước này đang kiềm chế dịch Covid-19 bằng cách đóng cửa biên giới, xét nghiệm du khách nhập cảnh và theo dõi lịch trình của người có kết quả dương tính. Tuy nhiên, một số chuyên gia quan ngại những biện pháp này sẽ không đủ hiệu quả để ngăn chặn Covid-19. Những biện pháp khác như xét nghiệm diện rộng và cách ly xã hội có nguy cơ không thể triển khai ở những thành phố có mật độ dân số cao và cơ sở y tế khiêm tốn. Cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Virus Cấp cao - ông Jacob John - nhận định đến 15-4, con số bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ sẽ tăng gấp 10 lần.
Trước thông tin hiện nay rằng nếu Ấn Độ "vỡ trận" trong phòng chống Covid-19 mới thực sự là ác mộng, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ: "Nếu cần, chúng tôi nguyện là những người lính cuối cùng chỉ rời khỏi đất nước này khi tất cả bà con bình an và khi được cấp trên cho phép. Chúng tôi những nhà ngoại giao cũng như các thuỷ thủ quyết ở trên con tàu này bình tĩnh và tự tin để lái nó vượt qua vùng tâm bão".
Từ chuyến bay đưa người Việt về nước ở tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) về nước vào 10-2 đến nay, đã có nhiều chuyến bay thương mại được tổ chức đưa người Việt có nhu cầu trở về nước do các chuyến bay từ nhiều nước bị hủy. Trong đó, phần lớn là du học sinh, người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động tại nước ngoài. Hôm nay 22-3, theo kế hoạch, sân bay quốc tế Nội Bài đón khoảng 2.348 hành khách (với 2.146 khách Việt Nam, 202 khách quốc tế) từ 15 chuyến bay đến từ Đức, Nga, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, UAE, Nhật Bản, Ấn Độ…; sân bay Vân Đồn đón 2 chuyến từ Nhật Bản...
Hiện nay, nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa việc lây lan ra cộng đồng, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0 giờ ngày 22-3-2020, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao...). Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục vận động, khuyến cáo người Việt Nam ở nước ngoài (học sinh, sinh viên, người lao động, Việt kiều) hạn chế tối đa về nước trong thời điểm hiện nay và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại. Trường hợp thực sự có nhu cầu về nước phải đăng ký với Cơ quan đại diện để kịp thời phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ngành hàng không tổ chức theo từng chuyến bay thương mại và phải đăng ký, tuân thủ sự sắp xếp theo từng chuyến, đợt, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, cách ly theo đúng quy định.
Bình luận (0)