Do có ý định du lịch nước ngoài nên anh Nguyễn Thành Nhân (ngụ TP HCM) thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp/ đổi hộ chiếu. "Năm 2019, tôi đã làm cấp hộ chiếu nhưng do dịch COVID-19 nên chưa xuất cảnh. Nay nghe hộ chiếu mẫu mới có gắn chip nên muốn đổi" - anh Nhân nói.
"Đề bài" không dễ
Ngày 16-5, thông qua tài khoản định danh điện tử VNeID, anh Nhân đăng ký làm thủ tục qua Cổng Dịch vụ công - Bộ Công an. Sau khi điền thông tin, upload hình chụp, anh nhận được email thông báo hệ thống đã nhận được hồ sơ.
Chắc mẩm hộ chiếu sẽ được gửi về địa chỉ nhà qua bưu điện, tuy nhiên, đến ngày 22-5, anh Nhân tra cứu thì hồ sơ vẫn ở trạng thái "mới đăng ký", tức là chưa được xử lý.
Lại liên hệ, làm theo hướng dẫn hồi lâu nữa, anh quyết định bỏ cuộc vì thấy thủ tục phức tạp. Qua trải nghiệm này, anh Nhân cho rằng dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng nhu cầu của người dân về thời gian, trình tự cũng như chưa có sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời của cơ quan hành chính.
Nhiều địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong ảnh: Quận 3, TP HCM đưa vào sử dụng Trung tâm Dữ liệu và Điều hành thông minh phục vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh
Tình trạng người dân còn ngại làm dịch vụ công trực tuyến là thực tế đang diễn ra. Ông Bùi Hữu Huy Hoàng - Chủ tịch UBND phường 13, quận 3, TP HCM - cho rằng cần xem lại quy trình. Bởi hiện nay khi người dân làm dịch vụ công trực tuyến ngoài khai báo các thông tin cơ bản còn phải tải biểu mẫu về, in ra, điền thông tin rồi ký tên, chụp hình, scan rồi gửi lên hệ thống. Như vậy, vừa trực tuyến vừa làm thủ công thì phiền hà và mất thời gian.
Không chỉ quy trình mà nhân lực cũng là bài toán của TP HCM trong nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS). Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Võ Thị Trung Trinh cho biết nguồn nhân lực này không những thiếu ở cơ sở mà còn thiếu ở cấp sở ngành, quận, huyện.
Nhiều cách ra đáp án
Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở - Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, đánh giá trong 3 trụ cột của CĐS là con người, quy trình và công nghệ thì chính quyền cơ sở gặp nhiều thách thức 2 trụ cột đầu.
Theo ông Sơn, bên cạnh quy trình chưa được tối ưu thì cán bộ, công chức ở phường, xã, dù được đào tạo nhưng kỹ năng liên quan CĐS, đổi mới, sáng tạo hầu như chưa đạt. "Khi tham khảo kế hoạch CĐS tại các quận, huyện thì thấy tập trung chủ yếu vào cải cách thủ tục hành chính và có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, các quy trình, thủ tục nội bộ chưa được chú trọng" - ông Sơn nói.
Nêu giải pháp, ông Sơn cho rằng cần đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã sâu hơn về CĐS. Cùng với đó, TP HCM cần đẩy mạnh chương trình đô thị thông minh, CĐS bằng các nhiệm vụ cụ thể tại quận, huyện, phường, xã.
Về nhân sự cho CĐS, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch, các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực CĐS của cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn. Song song đó, quận, huyện cũng cần chủ động mở các lớp bồi dưỡng phù hợp nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Lâm Đình Thắng thẳng thắn thừa nhận hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính còn gặp khó khăn về kỹ thuật và con người.
"Để chuyển hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số thì phải có cán bộ công chức số, đội ngũ kỹ thuật và công dân số. Quá trình này phải có thời gian vừa chuyển đổi vừa huấn luyện" - ông Thắng nhìn nhận.
Trước mắt, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đưa các giải pháp bồi dưỡng nghiệp vụ CĐS cho cán bộ, công chức. Về quy trình dịch vụ công trực tuyến, ông Thắng cũng cho hay hiện Văn phòng UBND TP HCM được giao tái cấu trúc toàn bộ quy trình thủ tục hành chính của thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Sở Tư pháp để điều chỉnh lại quy trình thủ tục này theo hướng thuận tiện hơn cho người dân.
Lượng công việc khổng lồ
Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức hàng loạt buổi gặp gỡ, khảo sát tại phường, xã, thị trấn, tiếp cận hồ sơ rất đầy đủ liên quan công việc của UBND phường.
Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở - Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho biết kết quả thu được chỉ ra chính quyền cơ sở đang đảm nhận một khối lượng công việc khổng lồ để phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành địa phương. "Khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp ngày càng cao nên phải nhanh hơn, chính xác hơn, đơn giản hơn và minh bạch hơn..." - ông Sơn nói và cho rằng đây vừa là thách thức vừa là động lực để TP HCM quyết tâm CĐS, xây dựng đô thị thông minh.
Thúc đẩy phát triển chữ ký số
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM vừa tổ chức hội nghị về triển khai thúc đẩy chữ ký số. Sở này cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp chữ ký số, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện tổ chức cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Chữ ký số mang lại sự nhanh gọn trong giải quyết thủ tục, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận hành, di chuyển. Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, phân tích chữ ký số là một phương thức được luật hóa, giúp chứng thực danh tính trên môi trường điện tử. Với việc chứng thực này, mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện các giao kết, giao dịch trên môi trường điện tử với tính pháp lý rõ ràng hơn.
"Chữ ký số là một thành tố tất yếu để xác định công dân trên môi trường mạng. Đây cũng là hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Bình luận (0)