Ngày 20-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc trình nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội khoá XV.
Chủ tịch Quốc hội khoá XV Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức
Bằng hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội khoá XV. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ, với kết quả 475/475 đại biểu tán thành.
Tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội khoá XV Vương Đình Huệ khẳng định: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Chủ tịch Quốc hội khoá XV Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức - Ảnh: Dương Giang
Phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Vương Đình Huệ cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV. "Đây vừa là vinh dự, vừa là trọng trách nặng nề đối với cá nhân tôi" - Chủ tịch Quốc hội khoá XV nói.
Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ khẳng định sẽ cống hiến hết sức mình, cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khoá XV Vương Đình Huệ phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức
Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn; hoạt động giám sát. Đồng thời, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri. Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến các nhiệm vụ khác của Quốc hội như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại, tiếp tục tăng cường đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động của Quốc hội; đổi mới và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, tham vấn, lắng nghe ý kiến, gắn bó chặt chẽ với cử tri.
Tiểu sử Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Ông Vương Đình Huệ sinh ngày 15-3-1957, quê quán xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế
Tóm tắt quá trình công tác:
9-1979 đến 1985: Giảng viên Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính); Phó Bí thư Liên đoàn khoa kế toán; Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường
1985 đến 1986: Học viên khoa Châu Âu, lớp tiếng Tiệp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội
1986 đến 1990: Nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia; Bí thư chi bộ, đơn vị trưởng lưu học sinh và sau đó là Trưởng Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bratislava
1991đến 1992: Giảng viên Khoa Kế toán, Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính)
10-1992 đến 5-1993: Đảng ủy viên Đảng bộ, Phó trưởng Khoa Kế toán, Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính)
6-1993 đến 2-1999: Đảng ủy viên Đảng bộ, Quyền Trưởng khoa rồi Trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính)
3-1999 đến 6-2001: Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đảng ủy viên Đảng bộ Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính)
7-2001 đến 7-2006: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối cơ quan Kinh tế Trung ương
4-2006: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng
7-2006 đến 7-2011: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng; Đại biểu Quốc hội khóa XIII
8-2011 đến 12-2012: Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Đại biểu Quốc hội khóa XIII
12-2012 đến 4-2016: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đại biểu Quốc hội khóa XIII
4-2016 đến 2-2020: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (6-2016). Đại biểu Quốc hội khóa XIV
7-2-2020: Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020
11-6-2020: Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ
12-10-2020: Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, ông tái đắc cử Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025
30-1-2021: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026
31-1-2021: Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ông được Ban Chấp hành bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV vào tháng 3-2021, ông Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khoá XIV.
Sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Cũng trong buổi chiều hôm nay 20-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Bình luận (0)