Chiều 13-7, ÐHQG TP HCM tổ chức tọa đàm về Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP HCM, chủ trì tọa đàm.
Phân cấp phải triệt để
TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ÐH Kinh tế - Luật TP HCM, cho rằng kết quả thực hiện Nghị quyết 54 chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là do nhiều nội dung trong nghị quyết chưa được phân cấp triệt để.
"TP HCM được cho phép nhưng chưa được quyền chủ động thực hiện, vẫn phải ra trung ương xin thêm cơ chế" - bà nói và đưa ra dẫn chứng quy định cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất nhưng thực tế không dễ bán tài sản công, mà phải qua quá nhiều thủ tục, phải được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án. Ngoài ra, TP HCM cũng chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động trong việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành một "nguyên tắc tuân thủ" thống nhất, khi có sự khác nhau giữa nghị quyết và luật, nhiều trường hợp nghị quyết không được ưu tiên áp dụng.
"Thay vì xin cơ chế giải quyết những vấn đề riêng lẻ, trao quyền nhỏ giọt, cần kiến nghị cho phép HÐND TP HCM được quyền quyết định bộ máy chính quyền của thành phố, nhất là thành lập, giải thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc và quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HÐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp" - bà Dung gợi mở.
Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Anh Phong, Trường ĐH Kinh tế - Luật, nói Nghị quyết 54 để cho thành phố tăng quyền tự chủ, có ngân sách để hoạt động. Tuy nhiên, có những cái "cho cũng như không có". Điển hình như thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt cho thành phố nhưng không dám tăng. "Ví như đánh thuế lên nhà máy sản xuất bia thì chắc chắn doanh nghiệp họ sẽ chuyển nhà máy về các tỉnh lân cận" - ông Phong dẫn chứng và cho rằng cơ chế phải thật sự đặc thù và thành phố phải hưởng được đặc thù đó.
GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Ðức, kiến nghị khi thành phố làm việc với các bộ, ngành về nghị quyết mới cần làm rõ, thống nhất các nội dung phân cấp trước khi ban hành. "Cái gì phân cấp được thì phân luôn, chứ không để cho ra đời rồi lại chạy đi xin từng cái hoặc xin xỏ, không biết mất bao nhiêu thời gian" - ông bày tỏ.
Theo ông, TP HCM cũng cần chủ động hơn trong làm việc với các bộ ngành, trung ương, Ðoàn Ðại biểu Quốc hội. Dự thảo mới cần nhìn TP HCM trong mối liên hệ giữa các bộ, ngành thay vì tách ra. Trong bức tranh đó, liệt kê tất cả điểm nghẽn, sau đó có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
"Nghị quyết sắp tới là 5 năm, ta phải có đề án tổng thể, chứ không thể thấy áo chật rồi xin một ít, xin mãi không biết bao giờ xin đủ" - ông Phùng nói và cho rằng phân cấp chính quyền đô thị cần trên 3 khía cạnh chính trị, hành chính và tài khóa.
PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ÐH Kinh tế - Luật, cho rằng cần xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho TP HCM
Thực dụng hơn, sáng tạo hơn
TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm - ĐHQG TP HCM, đề xuất 2 cách tiếp cận để xây dựng một nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54. Một là, dựa vào lịch sử quá trình xây dựng nghị quyết và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 54. Hai là, dựa vào xu hướng và các mô hình/thể chế vượt trội của khu vực và thế giới.
"Ðánh giá các ưu điểm và mặt còn hạn chế của 2 cách tiếp cận cùng với các cơ chế đặc thù của các địa phương khác, nghiên cứu đề xuất một cách tiếp cận hỗn hợp thực dụng hơn và sáng tạo hơn" - ông Vũ nói.
Theo ông, cách tiếp cận hỗn hợp phải dựa trên 3 nguyên tắc là định vị và so sánh các chính sách/cơ chế của TP HCM phải bằng hoặc vượt trội hơn với các thành phố/đô thị đang đóng vai trò trung tâm kinh tế quốc gia; trao quyền tương ứng với trách nhiệm là thành phố được trao quyền lớn hơn, đồng nghĩa cam kết phải đóng góp cho cả nước; tập trung, không dàn trải: chỉ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, gắn với việc thúc đẩy những thế mạnh của TP HCM về thương mại, dịch vụ, tài chính, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhà đầu tư lớn.
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ÐH Kinh tế - Luật, cho rằng cần xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho TP HCM. Theo ông, TP HCM, Bình Dương, Ðồng Nai đều đối mặt với tình trạng người dân đến sinh sống rất nhiều. TP HCM phải chịu gánh nặng khi miễn phí cho các đối tượng giáo dục phổ thông nhưng khi phân chia ngân sách thì không tính đến câu chuyện này. Do đó, cơ chế thử nghiệm cho TP HCM cần bàn đến câu chuyện này. Khi giải quyết xong cơ chế cho TP HCM sẽ lấy đó làm cơ chế cho nhiều tỉnh, thành khác có cùng thực trạng.
"Ðặc thù này mang tính thí điểm để rồi lan rộng trên cả nước chứ không chỉ đặc thù năm này năm kia, chỉ riêng cho TP HCM" - ông Khánh nói. Mặt khác, ông cũng cho rằng TP HCM cần có cơ chế đặc thù về khoa học - công nghệ. Chúng ta nói nhiều về việc TP HCM cần phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhưng không xin cơ chế về khoa học công nghệ.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ÐHQG TP HCM, cho rằng các cơ chế đặc thù phải hướng đến hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để giải phóng tất cả nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố và đủ lực để TP HCM làm đầu tàu kinh tế của cả nước.
Phải tạo động lực trong hệ thống công
PGS-TS Trần Ngọc Anh, ÐH Indiana, cho rằng để đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, TP HCM phải trình bày với trung ương trên quan điểm "win - win", có nghĩa nếu để thành phố tắc nghẽn cả nước sẽ khó phát triển.
Theo ông Anh, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là nguồn lực con người, một trong những nguồn lực quan trọng nhất là cán bộ. Hiện nay, vấn đề cán bộ cũng đang nặng nề, động lực làm việc ở khu vực công hiện đang hạn chế.
"Phải tạo ra được động lực trong hệ thống công. Muốn làm được điều đó phải bảo đảm thu nhập cho cán bộ, công chức; có hệ thống đánh giá cán bộ để tiền lương tăng lên "chảy vào" đúng chỗ có năng lực nhất" - ông Anh nêu quan điểm.
Ông cho biết trên thế giới sử dụng hệ thông quản trị thực thi. Hệ thống các chỉ số kết quả của từng sở, quận, phòng, xuống đến từng chuyên viên... Khi có chỉ số gắn với đánh giá cán bộ một cách thực chất thì tạo ra động lực. Khi cán bộ thực sự có năng lực và thực sự có cố gắng thì không bị đổ đồng thu nhập với người khác.
Bình luận (0)