Quốc hội (QH) ngày 19-6 đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, nhằm tạo điều kiện để thủ đô phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - khoa học và khẳng định vai trò đầu tàu, động lực kinh tế của cả nước.
Giải quyết nhiều vấn đề nóng
Theo nghị quyết, Chính phủ đề xuất 9 cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho thủ đô gồm: được tự quyết định thu và mức thu các khoản phí, lệ phí; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất; được hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp (DN); được quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP; được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư; được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên vào đầu tư; được sử dụng ngân sách TP hỗ trợ các địa phương khác; nâng mức trần dư nợ vay của TP từ 70% lên 90%; được tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng việc tạo cơ chế đặc thù về tài chính sẽ tạo thêm nguồn thu cho Hà Nội có nguồn lực để triển khai các dự án lớn, cấp thiết trong thời gian tới. Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng việc QH đồng ý cho phép Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các DN do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thì TP sẽ có đủ nguồn lực để tự làm 2 tuyến đường sắt đô thị quan trọng. Cải thiện được hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, kích thích được tăng trưởng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thủ đô.
Hiện nay, nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các DN thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỉ đồng theo giá trị vốn. Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tiến hành cổ phần hóa và đã thu được 11.000 tỉ đồng. Số tiền này hiện chưa nộp về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nếu được giữ lại số tiền trên, TP sẽ sử dụng vào mục đích xây dựng đường sắt đô thị các tuyến số 3 từ ga Hà Nội đi Hoàng Mai (hơn 40.000 tỉ đồng), tuyến số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc dài 37,5 km (66.000 tỉ đồng)...
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Sỹ Cương chỉ rõ hiện nay Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức ở nhiều lĩnh vực. Việc ban hành Nghị quyết sẽ giúp Hà Nội hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng và phát triển thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là động lực phát triển của vùng và cả nước.
Kỳ vọng Hà Nội phát triển xứng tầm thông qua một số cơ chế đặc thù
Khác cơ chế xin - cho
Bày tỏ đồng tình với đề xuất như nghị quyết, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), trong số 9 đề xuất cơ chế, chính sách tài chính đặc thù có 7 cơ chế QH đã thông qua cho TP HCM trước đây, chỉ 2 cơ chế khác biệt. "Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư. Đây là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì chúng ta không đồng tình. Kế đến là cơ chế sử dụng ngân sách TP hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn, đây là tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", nên cũng không có gì khó khăn" - ĐB Cường phân tích.
TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cũng cho rằng việc QH xem xét vấn đề này không phải cho Hà Nội cơ chế để người dân Hà Nội đã "sướng" rồi còn "sướng" hơn mà là tạo cơ hội để thủ đô thể hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa đối với cả nước. Nghĩa là quyết định cơ chế riêng để Hà Nội trưởng thành, phát triển một cách đột phá, xứng đáng là trái tim của cả nước, dẫn dắt không những về chính trị mà còn cả văn hóa, kinh tế, khoa học - công nghệ. TP HCM cũng đã được quyết định cơ chế tương tự, nên cần tránh hiểu lầm đây là cơ chế xin - cho.
Về một số ý kiến cho rằng chỉ nên dành cơ chế đặc thù cho các tỉnh nghèo có điều kiện khó khăn để giúp các tỉnh vươn lên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhận định địa phương nào cũng có đặc thù và điều kiện khác nhau, do đó cơ chế, chính sách cũng có những quy định riêng cho từng địa phương. Từ đó, cơ chế, chính sách ban hành không phải phù hợp cho tất cả địa phương, cơ chế đặc thù là sự bổ khuyết, cho phép các địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng có nhiều cơ chế đặc thù gây ra hiểu lầm theo hướng "đặc quyền đặc lợi", do đó ĐB đề nghị không nên dùng từ "đặc thù" trong tên dự thảo nghị quyết.
Xem xét sửa đổi Luật Thủ đô
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết Hà Nội đề xuất một số vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là về phân cấp, phân quyền cho thủ đô, quan trọng nhất là tăng thẩm quyền cho Hà Nội trong một số vấn đề. Đồng thời, Hà Nội cũng đề xuất một số chính sách TP có thể làm được mà không phát sinh thêm nguồn lực nào ở trung ương. Về lâu dài, phải trình QH xem xét, chỉnh sửa Luật Thủ đô. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách để quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, tăng cường phân cấp, phân quyền cho những đô thị đặc biệt.
Bình luận (0)