Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 21-10, Chính phủ đã gửi QH báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô.
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Theo báo cáo, trong 6 năm thi hành, các cơ quan của Hà Nội đã ban hành 55 văn bản để tổ chức triển khai, thực hiện. Các bộ, ngành liên quan cũng đã lồng ghép kế hoạch soạn thảo văn bản quy định chi tiết, thi hành luật này trong kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan mình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng sau thời gian thi hành nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cụ thể là trong thực hiện quy hoạch và quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; phát triển giáo dục; phát triển khoa học - công nghệ; quản lý bảo vệ môi trường đất đai...
Những khu cao tầng đua nhau mọc lên giữa nội đô Hà Nội
Báo cáo cho thấy theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Ở đô thị vệ tinh và các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho trung tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực gia tăng dân số, quá tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong nội thành; công tác di dời và quản lý quỹ đất sau di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng. Tiến độ di dời rất chậm, quỹ đất sau di dời chưa được bàn giao lại cho TP để ưu tiên xây dựng, phát triển công trình công cộng.
"TP đã giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 9 bộ, ngành trung ương nhưng đến nay mới chỉ Đại học Y tế công cộng là di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp dự án nhà cao tầng. Trong số 9 bộ, ngành hiện có 7 đơn vị vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 đơn vị còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng" - Bộ trưởng Lê Thành Long báo cáo.
Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác như ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra khá phổ biến. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém, giải phóng mặt bằng còn chậm, gặp nhiều khó khăn, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp. Tình trạng dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh cả nội thành và ngoại thành, khu vực nội đô lịch sử, mật độ dân cư phân bố không đều, chênh lệch đáng kể giữa ngoại thành và nội thành...
Cần giải pháp đồng bộ
Theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, cơ quan này đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ, QH và Ủy Ban thường vụ QH, nhằm hoàn thiện, khắc phục những hạn chế trong thi hành Luật Thủ đô.
Ủy Ban Pháp luật của QH đề nghị khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng quy hoạch; di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch; khẩn trương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận nội đô lịch sử. Trong quy hoạch, kiến trúc cần hạn chế, thậm chí không cho phép xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng trong nội đô để hạn chế tình trạng tăng dân số cơ học trong nội thành...
Dưới góc nhìn của người làm luật, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định Luật Thủ đô đã chắp cánh cho thủ đô phát triển nhưng không phải vì có Luật Thủ đô thì Hà Nội mới phát triển được. Sáu năm thi hành Luật Thủ đô, đã có 55 văn bản hướng dẫn luật nhưng nhiều văn bản hướng dẫn không sát. Đây là hiện tượng thiếu đồng bộ. Phải làm sao để hạn chế tối đa những văn bản hướng dẫn luật để khi ban hành luật thì có thể triển khai luôn.
Cũng theo luật sư Tú, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Những năm qua, bên cạnh sự phát triển thì nổi lên vấn đề đáng báo động là quy hoạch đô thị. Các yếu tố về hạ tầng, giao thông… mặc dù đã có rất nhiều giải pháp nhưng Hà Nội vẫn chưa giải quyết được căn bản, triệt để mà vẫn loay hoay, luẩn quẩn trong nhiều năm qua. Ví như việc cho xây dựng rất nhiều chung cư, nhà ở mới nhưng lại không đến được với người có thu nhập thấp bởi giá nhà ở quá cao so thu nhập của người dân, người cần thì không có, gây lãng phí. Phải tạo ra cuộc cách mạng về nhà ở, nếu không thì gốc rễ của vấn đề sẽ không giải quyết được.
Cần sửa đổi, bổ sung
Đại biểu QH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, cho rằng sau 6 năm thi hành Luật Thủ đô, Hà Nội cũng như các cấp phải nhìn nhận nghiêm túc nhiều vấn đề như quy hoạch đô thị, quá trình đô thị hóa... Nhiều vấn đề trong Luật Thủ đô không còn phù hợp thực tiễn nên cần phải xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ông Nguyễn Khắc Định cho hay Chính phủ dự kiến trình QH, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét đưa nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu kỹ những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung và cân nhắc thời điểm đề nghị sửa đổi, bổ sung luật, tránh tình trạng luật vừa ban hành lại phải sửa đổi để cập nhật những nội dung vừa được thí điểm.
Bình luận (0)