Ngày 11-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã tổ chức hội nghị thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và triển khai Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Lo lắng tiến độ các dự án trọng điểm
Tại hội nghị, các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến những dự án trọng điểm trên địa bàn TP, cụ thể nhất là tuyến metro số 1. Theo báo cáo của UBND TP, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành 66,6% khối lượng. Tuy nhiên, đến nay TP vẫn chưa nhận được ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của dự án metro số 1 từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính. Trong khi đó, thời hạn hoàn tất hồ sơ điều chỉnh dự án, phê duyệt điều chỉnh cho dự án dự kiến phải kết thúc trước ngày 31-10 để kịp thời gian trình HĐND TP HCM tại kỳ họp cuối năm.
TP HCM phải chỉ ra được những vướng mắc của tuyến metro số 1 là do đâu, trách nhiệm của ai để có cách tháo gỡ hiệu quả Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trước vấn đề trên, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, đặt vấn đề tuyến metro số 1 ngoài vướng về vốn thì còn vướng vấn đề gì khác? Riêng ĐBQH Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM, tỏ ra lo lắng trước thông tin nếu tháng 11 mà chưa hoàn thành thủ tục thì công trình sẽ dừng thi công. "Về thủ tục, TP tiến hành tới đâu? Trách nhiệm của TP, các bộ ngành trung ương và Chính phủ như thế nào phải nói rõ để cùng góp sức tháo gỡ" - ông Chương nói.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - cho rằng UBND TP cần đề xuất với Đoàn ĐBQH TP HCM, nhất là những vấn đề TP đang vướng mà thẩm quyền giải quyết thuộc trung ương, QH. Theo đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP có văn bản gửi Đoàn ĐBQH TP HCM, báo cáo hết sức cụ thể TP đang vướng cái gì, nếu QH, trung ương không tháo gỡ thì TP không thể giải quyết được, để ĐBQH nắm rõ, chung sức cùng TP. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp QH tới có tác động rất lớn, đó là phân bổ vốn đầu tư công cho những năm tiếp theo. "Riêng đối với dự án metro số 1, TP HCM mà không đẩy nhanh các thủ tục thì các bộ - ngành cũng không thể giúp được. Do đó, TP HCM phải chỉ ra cho được vướng vốn của metro là do đâu một cách cụ thể, trách nhiệm của ai, chứ không thể mập mờ" - ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.
Cùng nhau gỡ khó
Đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 54, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng UBND TP HCM nhận định việc thực hiện Nghị quyết 54 còn chậm, trong đó có tình trạng thu phí đậu ôtô chưa đạt hiệu quả là đúng nhưng chưa đủ. "Nghị quyết 54 đâu phải là những cái nhỏ nhặt như thu phí đậu ôtô dưới lòng đường. Nghị quyết 54 cho cơ chế về thuế, về phí, về đất đai, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ chế về đầu tư dự án nhóm A, tăng thu nhập tạo động lực cho cán bộ, công chức để tăng năng suất lao động, cơ chế vay vốn trội hơn 62 tỉnh, thành… để kinh tế TP HCM tăng trưởng mạnh. Thu phí lòng lề đường là để điều chỉnh dần hành vi của người dân chứ không phải tăng ngân sách" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích và cho biết Nghị quyết 54 là nghị quyết rất đặc biệt mà QH dành cho TP HCM nhưng đánh giá không tương xứng, chưa xứng tầm. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP rà soát, tính toán lại để tìm ra nguyên nhân vì sao việc thực hiện còn chậm bởi "bắt bệnh mà không trúng thì không thể nào điều trị được".
ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, nhìn nhận kinh tế TP đang tăng trưởng chậm lại bởi chúng ta có quá nhiều điểm nghẽn phải tập trung giải quyết. Có nhiều vấn đề TP HCM đang phải xử lý bên cạnh công việc hằng ngày. Theo ông Trần Hoàng Ngân, để đạt được tăng trưởng như kế hoạch, TP HCM phải lưu ý đến tổng vốn đầu tư xã hội, tháo "nút thắt" giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng dự án triển khai được như metro số 1 thì lại thiếu vốn, trong khi khá nhiều dự án vốn lại "treo".
Kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ với những khó khăn của TP trong phát triển kinh tế - xã hội và đề nghị TP nghiên cứu và có giải pháp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. "ĐBQH rất có trách nhiệm với TP HCM nhưng muốn họ tham gia đóng góp một cách có hiệu quả thì cần được chia sẻ thông tin cũng như các vấn đề mà TP kiến nghị trung ương" - bà Văn Thị Bạch Tuyết nói và đề nghị UBND TP cần phối hợp chặt chẽ hơn với Đoàn ĐBQH TP HCM.
Cần có đề án về tỉ lệ ngân sách
ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê gợi mở: "Bên cạnh Nghị quyết 54, TP HCM đang vướng mắc cái gì mà cần thông qua Đoàn ĐBQH TP để đề đạt với QH hay không. Xoay quanh kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ ngân sách để lại cho TP HCM nhưng không thấy UBND TP đề cập thì các ĐBQH sẽ rất khó có ý kiến trước nghị trường".
Đồng tình, ĐBQH Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM, cho biết kỳ họp sắp tới sẽ bàn về ngân sách nên TP phải có sự chuẩn bị, ý kiến ngay từ bây giờ. Theo ông Phạm Phú Quốc, UBND TP HCM nên làm một đề án về vấn đề này để ĐBQH nắm sâu, từ đó có những lập luận, phát biểu thuyết phục trước QH. Đề án phải chứng minh được tỉ lệ ngân sách thế nào hợp lý cho TP HCM: tương tác về dân số TP, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Bình luận (0)