Sáng 14-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Đừng cho cái này để lấy lại cái kia
Góp ý thẳng cho một trong những kiến nghị rất mạnh mẽ từ phía TP HCM là tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc điều tiết tỉ lệ dưới 20% (hiện nay là 18%) thì TP HCM sẽ phát triển chậm. "Đã là đầu tàu của cả nước, là động lực mà đi chậm thì các toa phía sau sẽ chậm theo. Nên quy định cơ chế đặc thù không phải cho TP HCM mà cho cả nước" - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Nếu đã cho TP HCM cơ chế riêng thì cho thêm chứ đừng bớt" Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Chủ tịch QH cũng đồng ý để TP HCM được dự toán ngân sách TP trên cơ sở QH sẽ giao tổng thu, tổng chi. "Phải thay đổi cơ chế, giao chủ động để phù hợp với thực tế địa phương" - Chủ tịch QH nói. Chủ tịch QH cũng cho rằng quy định cơ chế riêng cho TP HCM được dư nợ không quá 90% (tăng thêm 20% so với quy định cũ) là hoàn toàn có thể chấp nhận được và được tính toán là không tác động tới nợ công.
Với nội dung quan trọng là sau khi TP HCM được hưởng nguồn thu từ cổ phần hóa của nhà nước thì ngân sách trung ương có cấn trừ 18.800 tỉ đồng để thực hiện các kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hay không, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: "Nếu cho cái này mà lấy lại cái kia thì "hẹp hòi". Để 18.800 tỉ đồng cho TP HCM thì TP có thể tạo ra nhiều cái 18.800 tỉ đồng khác. Nếu đã cho đặc thù thì cho thêm chứ đừng bớt".
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tăng trưởng kinh tế TP HCM những năm qua tăng gấp rưỡi nhưng thu ngân sách, tỉ trọng thu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài lại giảm. Do đó, muốn TP HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam thì cần phân cấp mạnh hơn cho TP phát triển.
Được nhiều quyền hơn, phân cấp mạnh hơn
Với quy định cho TP HCM tăng mức thu thuế, phí, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận có nhiều loại thuế tăng là hợp lý như: thuế bảo vệ môi trường, xả rác; thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ… Tuy nhiên, không nên tăng tất cả các loại thuế bởi sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của TP.
Cũng liên quan đến nội dung thu thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lưu ý quy định như dự thảo không có nghĩa là TP được quyền quyết tất cả. "Trước khi tăng bất kỳ loại thuế nào, TP sẽ phải có đề án đánh giá cụ thể, nhiều mặt và trình Chính phủ, sau đó Chính phủ trình Thường vụ QH quyết định. Trước mắt, một số loại thuế như bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt... có thể tính toán để thực hiện ngay. Không có chuyện tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự báo, thuế tài sản có thể được xem xét áp dụng" - ông Dũng nói.
Đồng tình với việc tạo cho TP HCM một cơ chế thật thông thoáng, được trao nhiều quyền hơn, được phân cấp mạnh hơn nhưng đại biểu (ĐB) Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ băn khoăn về việc cho phép TP HCM áp dụng một số sắc thuế vượt khung. Bà Hương đề nghị tăng thuế, phí cần bảo đảm phù hợp với mức sống của người dân. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, góp ý thêm ngoài quan tâm quá nhiều đến cơ chế tài chính, như để lại cho địa phương nhiều hơn, cho phép tăng thu cả thuế, phí, lệ phí... thì cũng cần phải quan tâm đến thu hút đầu tư, nâng cao môi trường đầu tư... Bởi lẽ, nếu không có đặc thù trong thu hút đầu tư thì khó có thể tăng đầu tư trong bối cảnh tăng thuế, phí, lệ phí.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đề nghị TP HCM chỉ nên nghiên cứu tăng thu thuế gián thu như thuế tiêu thụ đặc biệt, môi trường… Ngược lại, cân nhắc tăng thu thuế khác vì có thể tác động đến môi trường đầu tư của TP HCM. Cũng theo ông Toàn, cần tăng sức hấp dẫn cho TP HCM phát triển nhưng phải bảo đảm khuôn khổ pháp lý nói chung và nên xem xét kỹ.
Ủng hộ việc TP HCM cần cơ chế riêng để phát triển nhanh, bền vững hơn, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) kỳ vọng TP đủ khéo léo để không làm nản lòng nhà đầu tư.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: "Cũng có những ý kiến băn khoăn là nếu cho phép TP HCM quyết định thu nhập tăng thêm mà cao hơn cả tiền lương thì sẽ tạo ra chênh lệch rất lớn đối với các tỉnh, thành khác. Tôi nghĩ rằng nếu qua thí điểm ở TP HCM mà tạo ra được động lực, giúp chúng ta cải cách tiền lương thì đó là điều hay".
Quân đội không làm kinh tế đơn thuần
Sáng cùng ngày, QH thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Cho rằng lực lượng vũ trang tập trung để chiến đấu, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị nhất quán quan điểm lực lượng vũ trang không làm kinh tế thuần túy vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những điều không phục vụ cho lợi ích quốc phòng. ĐB Nguyễn Văn Chương (TP HCM) góp ý quân đội vẫn có thể làm kinh tế như may mặc quân trang, sản xuất thức ăn phục vụ cho quân đội nhưng phải có phục vụ cho quá trình chiến đấu.
Trao đổi bên hành lang QH, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội là bất di bất dịch. Tuy nhiên, quân đội không làm kinh tế đơn thuần, các dự án đều phải thông qua thẩm định theo phân cấp cụ thể từ huyện, tỉnh đến cấp bộ.
Bình luận (0)