Hôm nay (14-11), theo kế hoạch, Chính phủ trình Quốc hội (QH) dự thảo Tờ trình và Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM để QH thảo luận ngay trong ngày. Dự kiến, dự thảo nghị quyết được thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp (24-11).
Tăng tiền, tăng luôn tính chủ động
Dự thảo nghị quyết cho phép TP HCM thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành (trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí); tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí nằm trong danh mục… Với số thu tăng thêm từ các khoản thu do điều chỉnh chính sách thu như trên, ngân sách TP được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỉ lệ % đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách TP.
Có cơ chế riêng để TP HCM bứt phá thì cả nước hưởng lợi chứ không riêng gì TP Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kế đến, TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, nguồn Chính phủ vay về cho TP vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Giới hạn mức dư nợ này đã "vượt qua" quy định dư nợ vay của TP HCM không quá 60% thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp theo Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, cũng tăng mạnh so với quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đối với TP HCM.
Ngân sách TP cũng sẽ được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sau khi đã khấu trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP. Đặc biệt, ngân sách TP được hưởng số thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu. Dự thảo nêu rõ: TP sử dụng nguồn thu này và ngân sách TP để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của TP.
Đáng lưu ý, một trong những phương án trước đây được đưa ra là sau khi giữ lại nguồn thu từ cổ phần hóa, ngân sách trung ương sẽ không bổ sung cho TP 18.800 tỉ đồng để thực hiện các dự án trên như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, theo bản dự thảo mới nhất, số tiền 18.800 tỉ đồng này sẽ không bị cấn trừ.
Với những đề xuất trên trong dự thảo, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng nếu được thông qua thì có thể nói đây là điều kiện để TP vượt qua những điểm nghẽn vì dồi dào thêm nguồn lực để có thể có bước bứt phá tiếp theo. Còn đại biểu QH Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, nhận định: Đồng vốn của TP HCM là đồng vốn mồi thực sự. "Chỉ số ICOR (còn được gọi là hệ số sử dụng vốn hay hệ số đầu tư tăng trưởng hoặc tỉ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm - PV) của TP HCM thấp nhất so với các tỉnh - thành khác, có nghĩa đầu tư vào là tạo hiệu quả hơn nhiều. Do đó, nên để TP được chủ động" - ông Quốc nói.
Tự quyết lương
Dự thảo tờ trình cũng đề xuất cho phép TP được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp TP, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.
Cụ thể, HĐND TP HCM quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của TP. Chủ tịch UBND TP được ủy quyền cho chủ tịch UBND quận, huyện và thủ trưởng cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND TP HCM. UBND TP cũng được điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn trực thuộc để phù hợp với đặc điểm của TP. Tất nhiên, việc thực hiện các quy định nêu trên phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng, nhà nước.
Chia sẻ về nội dung này, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng trên thực tế, có những yếu tố là "rào cản", "điểm nghẽn" về chế độ tiền lương nên có những nơi người tài "bứt" ra chỗ khác. "Muốn giữ chân những người có tâm huyết, nhiệt thành thì phải trên cơ sở ổn định về tiền lương, chính sách đãi ngộ để họ được an tâm hơn. Không thể không kể đến nguồn tri thức, nhân lực từ nước ngoài hay những lĩnh vực hết sức nhạy cảm, trọng điểm, trọng yếu, cần thiết" - ông Khuê nói.
Ông Khuê cũng chia sẻ thêm nếu sinh ra một cơ chế mà không sắp xếp lại tổ chức, con người thì sẽ dẫn đến tràn lan, không có đủ nguồn tích dư để chăm lo những công trình trọng điểm, chăm lo cho đãi ngộ nhân tài. Thực tế, dù chưa ban hành nghị quyết nhưng TP HCM đã có sự "thai nghén", chuẩn bị phương án, thực hiện đầy đủ theo quy định hiện nay về sắp xếp bộ máy, đội ngũ. Như thế, đến khi có nghị quyết thì không bị lỗi nhịp mà có thể bắt tay vào luôn.
Ông PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM:
Đóng góp nhiều hơn cho trung ương
TP HCM được cơ chế riêng để phát triển thì không chỉ có điều kiện để chăm lo cho một đô thị lớn mà còn càng tăng trách nhiệm với trung ương, tạo nguồn để có thể đóng góp nhiều cho trung ương.
Để bứt phá nhanh hơn, TP sẽ phải soát xét lại về cơ cấu nguồn thu, để từ đó tạo nguồn vốn bổ sung cho quỹ đầu tư phát triển, chăm lo cho an sinh xã hội. Đặc biệt, TP HCM là một TP đông dân với tình hình tội phạm phức tạp, điều kiện an sinh xã hội, khám chữa bệnh, đi lại… đều là vấn đề cấp thiết nên TP sẽ lấy đó làm trọng yếu. Bên cạnh đó, sẽ có những chương trình trọng điểm để kêu gọi đầu tư, bổ sung thêm một kênh nữa cho nguồn chăm lo an sinh xã hội chứ không lệ thuộc vào nguồn thu phí, lệ phí.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN - Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM:
Cơ chế riêng cho TP HCM là tất yếu!
Trung ương cần phân cấp, ủy quyền cho TP, phân cấp cho HĐND TP để quyết định những vấn đề trong việc cấp phép, thẩm định dự án, chủ trương đầu tư... để làm sao TP huy động và phân bổ sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất. TP HCM là nơi cần có sự phân bổ để tạo ra được của cải, tạo tiền nhiều hơn để hỗ trợ các địa phương khác.
Ngoài ra để có vốn đầu tư hạ tầng, tôi đã đề nghị TP nên mạnh dạn kiến nghị trung ương cho chuyển đổi mục đích sử dụng của hơn 118.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị. Song song đó, TP cần có chính sách đột phá trong sử dụng đất đai cho mục tiêu phát triển, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng đất có hiệu quả hơn, giảm khiếu kiện, khiếu nại liên quan đất đai và nhà nước thu được tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Đại biểu ĐẶNG THUẦN PHONG (Bến Tre):
Không thể dàn đều nguồn lực
Tôi ủng hộ TP HCM - đầu tàu kinh tế của đất nước - có một cơ chế riêng để phát triển, đóng góp cho đất nước trong hoàn thiện cơ chế, phát triển kinh tế… Khi TP HCM trở thành TP đầu tàu đủ lực, sẽ kéo các đô thị khác cùng phát triển. Chúng ta không thể dàn đều nguồn lực như trước nữa mà phải tập trung cho những nơi có năng lực thật sự, để từ đó kéo chuyển, tạo được bước phát triển mới cho đất nước.
Cũng đừng có quan điểm rằng TP HCM xin cơ chế là ưu ái thì nhiều địa phương khác cũng có đề xuất tương tự. Bởi vì, cơ chế này tạo đầu tàu kéo các toa chứ không phải là tạo đặc quyền, đặc lợi cho từng địa phương. Ai cũng muốn xin cơ chế riêng sẽ tạo ra cát cứ, buông bỏ đi sự chỉ đạo của đất nước và như thế là không phù hợp.
PH.NHUNG - TR.HOÀNG ghi
Bình luận (0)