Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XI và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là Nghị quyết 54), thành phố đã tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với 2010, đạt hơn 6.200 USD/người…
Nghị quyết 54 chỉ là khởi đầu
Việc thực hiện Nghị quyết 54 với thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm qua đã tạo không gian cho thành phố phát triển, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tháo gỡ được những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho thành phố. Thành phố đã đạt nhiều kết quả nổi bật: Tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn; huy động nguồn lực từ phát hành trái phiếu địa phương, vay từ các tổ chức tài chính để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển… cùng nhiều chính sách khác đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đà tăng trưởng của thành phố đã chậm lại. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2020 giảm mạnh, từ 7,22%/năm (giai đoạn 2011-2015) xuống còn 6,41% (giai đoạn 2016-2020). Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Thành phố chưa phát huy hết được thế mạnh của một trung tâm khoa học - công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng phát triển, vai trò dẫn dắt phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa đột phá.
Nguyên nhân được chỉ ra gồm cả chủ quan và khách quan, trong đó tập trung vào cơ chế, chính sách được thực hiện thí điểm còn mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, cần có thời gian nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Khung thể chế như hiện tại chưa thực sự khả thi trong việc triển khai các đề án phát triển cho thành phố, cần có sự điều chỉnh để tạo nền tảng pháp lý hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, tác động nghiêm trọng biến đổi khí hậu, ô nhiễm và diễn biến của dịch COVID-19 kéo dài, cùng với bối cảnh quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Đồng thời, để xây dựng cơ chế, chính sách, nếu thực hiện khẩn trương, thuận lợi cũng phải mất 1 năm; việc triển khai thí điểm cần ít nhất 2 - 3 năm và sau đó là giai đoạn thực hiện đánh giá kết quả. Như vậy, với thời gian 5 năm để thực hiện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 54 là chưa đủ để đánh giá toàn diện về hiệu quả do các chính sách đem lại. Nghị quyết này mới chỉ là giai đoạn khởi đầu cho việc xây dựng và thực thi thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội cho thành phố.
Cán bộ, công chức UBND quận 5, TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân Ảnh: Hoàng Triều
Bảo đảm sự thụ hưởng cho người dân
Ngoài nghị quyết 54, TP HCM cũng đang triển khai nhiều nghị quyết, như: Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 9-1-2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện mục tiêu đề ra tại các nghị quyết trên, cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho thành phố.
Cơ chế, chính sách vượt trội có thể hiểu một cách đơn giản là một khung pháp lý vượt hẳn so với các quy định hiện hành. Do đó, các cơ chế, chính sách vượt trội được ban hành có thể khác với các quy định của luật nhưng không trái với quy định của Hiến pháp và phải bảo đảm khả năng thi hành, tuân thủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; không trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 31-NQ/TW, là "sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP HCM".
Tuy nhiên, không phải tất cả cơ chế, chính sách áp dụng đều phải vượt trội, mà chỉ lựa chọn các lĩnh vực, vấn đề trọng tâm, trọng điểm của thành phố cần thực hiện theo mục tiêu của từng giai đoạn (đến năm 2025, 2030, 2045). Cơ chế, chính sách vượt trội nên có tính thời hạn, khi đạt được mục tiêu và tạo nền tảng vững chắc thì chuyển sang áp dụng cơ chế, chính sách theo quy định chung.
Điều quan trọng là cơ chế, chính sách vượt trội được xây dựng phải bảo đảm điều kiện mang lại các tác động tích cực về kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, gắn với lợi ích và thụ hưởng của người dân.
Chẳng hạn về tác động kinh tế thì cơ chế, chính sách vượt trội phải giúp thành phố chủ động trong việc điều hành ngân sách địa phương, tạo nguồn thu, chi ngân sách hợp lý, có hiệu quả; tận dụng tối đa tiềm lực sẵn có về nguồn chi đầu tư phát triển để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mà trước mắt là những tác động lớn từ dịch COVID-19. Bên cạnh đó, giúp thành phố thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án lớn, quan trọng; tạo động lực thu hút nguồn vốn từ bên ngoài thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên; tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, giúp thăng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về xã hội, cơ chế, chính sách vượt trội cần giúp thành phố giải quyết được các vấn đề của đầu tư công trong giao thông, môi trường, văn hóa; bảo đảm sự chủ động, linh hoạt, tính trách nhiệm trong quá trình ra quyết định của các cấp chính quyền địa phương để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; giải quyết được vấn đề tiền lương tương xứng với sức lao động, tiền lương trở thành nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ.
Đối với thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách vượt trội cần bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục hành chính, mà bảo đảm thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ chế, chính sách vượt trội phải mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ công cho tất cả người dân, không làm cản trở hoặc chậm trễ hay khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bình luận (0)