TP HCM là đô thị lớn nhất Việt Nam, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, dân số chiếm khoảng 20% dân số cả nước và là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Sự phát triển của TP HCM luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.
Phải có cách tiếp cận mới
Nghị quyết số 54/2017/QH14 (NQ 54, có hiệu lực từ ngày 15-1-2018) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã xác lập cơ chế, chính sách đặc thù và trao quyền thí điểm thực hiện cho TP HCM với 18 nội dung cụ thể thuộc 5 lĩnh vực quản lý: Quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Ngay sau khi có hiệu lực, TP HCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để cụ thể hóa và thực hiện. Sau hơn 5 năm, NQ 54 đã đem lại kết quả thực tiễn trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền và các nhà nghiên cứu, nội dung cũng như quá trình thực hiện NQ 54 còn nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả thực thi thấp, một số cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm, có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện…
Đặc biệt, dù có NQ 54, tốc độ tăng trưởng của TP HCM có dấu hiệu chậm lại. Theo đánh giá của Bộ Chính trị, "tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp".
Trong bối cảnh phát triển mới cùng với sự "nhạy cảm" cao với các vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH) của thế giới, KT-XH TP HCM sẽ xuất hiện nhiều dạng thức, biến thể mới.
Để quản lý, phát triển cần có cách tiếp cận mới; cơ chế, chính sách mới để vừa bảo đảm tính chủ động, hiệu quả trong phản ứng chính sách, kịp thời đưa ra các quyết định quản lý phù hợp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển vừa nâng cao tính chủ động, xác lập các cơ chế chủ động nhằm giảm thiểu những rủi ro, kịp thời giải quyết các vấn đề, thách thức phát sinh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là "ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới". Hơn nữa, với vai trò là trung tâm lớn, sự phát triển KT-XH của TP HCM góp phần lớn vào sự phát triển chung của cả nước và ngược lại.
Ngoài ra, những vấn đề phát sinh trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị đòi hỏi trong nghị quyết mới cần quy định rõ hơn về cơ chế phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước; giải quyết các vấn đề, các xung đột pháp lý giữa các quy định trong Nghị quyết số 131/2020/QH14, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP với các quy định pháp lý hiện hành. Phương châm "TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM" cần được cụ thể hóa thành cơ chế quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong nghị quyết mới và thể hiện thành các đổi mới cụ thể trong tư duy và hành động thực tiễn.
Sự phát triển của TP HCM luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nướcẢnh: Hoàng Triều
Hướng tới tính chủ động, sáng tạo
Khắc phục những hạn chế, bất cập của NQ 54 và bảo đảm tính vượt trội của nghị quyết mới, việc xây dựng từng cơ chế, chính sách cụ thể cần được thực hiện với cách tiếp cận mới, bảo đảm tính mở và hướng tới bảo đảm khả thi trên thực tiễn.
Cụ thể, tập trung xác lập khung cơ chế, chính sách thay vì quy định chi tiết các cơ chế, chính sách cụ thể. Hướng đến bảo đảm tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế và khơi thông các nguồn lực để phát triển bền vững TP HCM.
Để bảo đảm tính đi trước, vượt trội, cần vận dụng lý thuyết về khung thể chế thử nghiệm (regulatory sandbox) và bảo đảm tính mở trong xây dựng nội dung cũng như các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành. Yêu cầu này bảo đảm tính khoa học của nghị quyết mới, đồng thời bảo đảm tính chủ động của các cơ quan có trách nhiệm trong xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách của nghị quyết mới.
Một yêu cầu nữa là phải hướng tới phát huy tính chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố; tính năng động, sáng tạo, sẻ chia trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố hướng tới phát triển bền vững TP HCM trong bối cảnh phát triển mới.
Đó là, đề xuất các mô hình lãnh đạo, quản lý mới; đề xuất các cải cách trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị. Xác lập cơ chế để chính quyền thành phố được tổ chức các mô hình, các kênh huy động sự tham gia hiến kế, đóng góp các nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, nghị quyết mới cần quy định thẩm quyền của chính quyền TP HCM, chính quyền TP Thủ Đức được chủ động ban hành và thí điểm các cơ chế, chính sách thí điểm để đổi mới phương thức quản trị của chính quyền; thí điểm các mô hình phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh… để bảo đảm tính hiệu quả chung trong quản lý, tổ chức phát triển KT-XH, để TP HCM, TP Thủ Đức là nơi ươm mầm, khai triển các ý tưởng, các mô hình quản lý, các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với xu hướng phát triển của tương lai.
Quy định trách nhiệm cụ thể
Để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, khả thi và phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nghị quyết mới và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan hữu quan trong tổ chức thực hiện nghị quyết mới.
Cần quy định cơ chế phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM.
Bình luận (0)