Thư từ TP HCM ghi rõ là thỉnh nguyện của một số trí thức. Khác với kiến nghị từ Huế, thư thỉnh nguyện bày tỏ mong muốn TP Đà Nẵng nên đặt tên đường mang tên 2 giáo sĩ này vì khẳng định họ đã có công lớn trong việc định hình chữ Quốc ngữ.
Như vậy là kiến nghị từ Huế và thư thỉnh nguyện từ TP HCM lần nữa cho thấy việc đặt tên đường mang tên 2 giáo sĩ nói trên đang nhận được những ý kiến trái chiều từ các nhân sĩ, trí thức ở các địa phương khác. Trước đó, khi Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP Đà Nẵng đưa vấn đề này ra lấy ý kiến nhân dân, một số cán bộ hưu trí đã nêu quan điểm không đồng ý với việc đặt tên đường mang tên 2 giáo sĩ này, vì cho rằng quá trình chế tác chữ Quốc ngữ của họ gắn với quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
Ở nước ta, theo "Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng" ban hành kèm Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 (Nghị định 91), việc đặt tên đường ngoài "nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính..." thì còn "góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế".
Vậy 2 giáo sĩ này có công trạng gì mà phải vinh danh bằng việc dùng tên của họ để đặt tên đường? Về việc này, lãnh đạo Sở VH-TT Đà Nẵng đã nói rõ là nhằm mục đích "để ghi nhận và tôn vinh công lao hai nhân vật liên quan mật thiết đến quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ của Việt Nam".
Trước TP Đà Nẵng, tên của giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã được trang trọng đặt cho một đường phố ở trung tâm quận 1, TP HCM và gần đó là đường Hàn Thuyên, với ý nghĩa vinh danh "ông tổ chữ Quốc ngữ" và "ông tổ chữ Nôm". Dù vậy, khi chưa nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận mà còn có những ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ các học giả, chuyên gia... thì việc Sở VH-TT TP Đà Nẵng quyết định dừng dự định này để tiếp tục xem xét, không trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm, là sự thận trọng cần thiết để bảo đảm chất lượng của việc tham mưu. Điều này cũng phù hợp với quy định của Nghị định 91: "Đối với những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng".
"Uống nước nhớ nguồn", ghi nhận công lao đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân đối với sự phát triển của đất nước là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Chính quyền các cấp nói riêng, Đảng và nhà nước ta nói chung, trong nhiều chính sách và chủ trương cũng đã thể hiện rõ điều này.
Tuy nhiên, trong vấn đề cụ thể của TP Đà Nẵng, việc 2 giáo sĩ này có công thế nào với chữ Quốc ngữ và công lao ấy đã đến mức cần thiết phải vinh danh bằng việc lấy tên của các ông để đặt tên đường, nhất là khi cả hai đều là người nước ngoài, thì đang rõ là rất cần có những đánh giá cụ thể hơn, thuyết phục hơn để rồi công bằng hơn và ở tầm mức quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở một địa phương cụ thể nào, cũng như các kiến nghị hay thỉnh nguyện!
Bình luận (0)