Sáng 11-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Trong đó, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) thảo luận là có nên tách thành 2 luật hay không.
Tách luật là không ổn
Thảo luận tại tổ 2, nhiều ĐB tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu ý kiến: "Quá trình soạn thảo, Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ GTVT thống nhất các nội dung, Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến nhất trí. Chúng tôi thấy việc ban hành luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATGT hiện nay".
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật riêng .Ảnh: VĂN DUẨN
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng cần thiết phải ban hành luật này, nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 18 của Bộ Chính trị, Kết luận số 45 của Ban Bí thư về rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự ATGT phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, ATGT.
Ngược với quan điểm trên, tại tổ 16 (gồm ĐB các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Trị, Điện Biên, Nam Định), ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, thẳng thắn nêu quan điểm không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật. "Tách thành 2 luật là không ổn tí nào. Cần giữ nguyên như hiện nay và rà soát, bổ sung để tăng cường nâng cao những gì làm được; cái gì đang vướng thì sửa cho tốt hơn" - ĐB Sinh nhấn mạnh.
Theo ông Sinh, hiện có 5 lĩnh vực giao thông, gồm: giao thông thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt và giao thông bộ. Chính phủ đề nghị tách Luật Giao thông đường bộ thì sau này có tách 4 luật kia hay không? "Nếu tách, nó giống như ta chữa lợn lành thành lợn què. Con lợn có 4 chân, giờ phải xẻ thành 2 con lợn, mỗi con có 2 chân thì nó không còn là lợn nữa" - ông Sinh ví von.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, cũng không đồng tình với giải trình của cơ quan soạn thảo, khi cho rằng tai nạn giao thông đường bộ rất nhiều, chiếm 95% tổng số vụ nên cần phải có Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. "Nguyên nhân nào thì phải giải pháp đó. Nguyên nhân là con người thì phải tìm giải pháp là con người, như nâng cao ý thức nhận thức. Nguyên nhân là con người mà tại sao lại tìm giải pháp là tách riêng luật, rồi sau đó chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước về một số vấn đề?" - ĐB Hoa lập luận.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) lưu ý trong việc sửa luật, cơ quan soạn thảo chưa có sự so sánh với các điều luật cũ, làm rõ tại sao phải sửa. Trước đây, cố Bộ trưởng Bộ Công an Bùi Thiện Ngộ chuyển phần đào tạo, sát hạch lái xe về ngành GTVT chắc phải có lý do nên khi chuyển về Bộ Công an cần phải phân tích làm rõ. Bà Phong Lan băn khoăn khi đưa phần đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ GTVT về Bộ Công an bởi có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, kiến nghị: "Hoàn toàn có thể bổ sung 1 chương hoặc thậm chí 2-3 chương về ATGT đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), chứ không nhất thiết phải ban hành một đạo luật riêng".
Bộ trưởng Bộ Công an: "Không đụng chạm gì..."
Đi vào nội dung cụ thể, góp ý vào vấn đề chuyển đổi đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, ĐB Đỗ Văn Sinh cho rằng cái gì xã hội làm được thì nên giao cho xã hội. Không nên cái gì cũng quan trọng hóa lên rồi phải chuyển cơ quan quản lý. ĐB Sinh đặt vấn đề: "Đến tiền còn bị làm giả, không lẽ lại chuyển việc in tiền cho Bộ Công an? Bây giờ giao Bộ Công an đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, vậy sau này bằng lái máy bay, tàu hỏa, tàu thủy có giao cho Bộ Công an không?"...
Trước nhiều ý kiến tranh luận, ĐBQH Đào Việt Trung (Nam Định), Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cho rằng khi chưa có quyết định cuối cùng của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, có lẽ QH nên có hình thức lấy ý kiến của các ĐB về việc có đồng ý hay không đồng ý tách 2 dự thảo luật, sau đó mới bàn về nội dung; nếu không sau này lại bảo thôi, không tách nữa, nhập lại… sẽ lãng phí thời gian, vật chất.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị sau phiên thảo luận này, UBTVQH nên lấy ý kiến của ĐBQH 2 vấn đề. Đầu tiên là có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật hay không, sau đó mới bàn tiếp là các luật làm bao nhiêu chương, bao nhiêu điều.
Giải đáp một số băn khoăn của ĐBQH và dư luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nêu rõ việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật nhằm giải quyết 2 vấn đề quan trọng và rất bức xúc hiện nay, là phải tập trung xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ và giải quyết trật tự ATGT đường bộ. Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh Chính phủ, các thành viên Chính phủ rất đồng thuận với chủ trương xây dựng 2 luật này. Trước băn khoăn có lãng phí không khi tách thành 2 luật như vậy, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không những không lãng phí mà sẽ tiết kiệm được rất nhiều bởi không làm phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. "Nếu giao cho công an thì chúng tôi có lực lượng CSGT, phối hợp các lực lượng khác khi cần tăng cường trong các dịp cao điểm" - Bộ trưởng nói.
Vấn đề cơ sở sát hạch lái xe ra sao sau khi nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển về Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm quả quyết: "Không đụng chạm gì đến các cơ sở này". Theo bộ trưởng, Bộ Công an chỉ kiểm soát việc cấp bằng lái xe và quản lý bằng lái xe đúng quy trình, quy chuẩn, chống làm giả, gian lận.
Hôm nay, 12-11, QH tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. QH họp riêng và thảo luận ở hội trường về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Quốc hội quyết GDP năm 2021 tăng 6%
Sáng 11-11, với 89,21% ĐB tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với 12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, có các chỉ tiêu: Tăng trưởng GDP khoảng 6%; quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỉ lệ bao phủ BHYT khoảng 91%...
Chiều cùng ngày, với 94,51% ĐB tán thành, QH biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.
Trình bổ nhiệm một số chức vụ lãnh đạo cấp bộ
Chiều 11-11, QH đã bỏ phiếu kín phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng trình QH phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt (58 tuổi) - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP HCM; Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long (54 tuổi), quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; Thống đốc NHNN Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi), Phó Thống đốc NHNN Việt Nam.
Sáng nay (12-11), QH sẽ phê chuẩn việc bổ nhiệm các nhân sự nêu trên. Nếu được QH phê chuẩn, bà Nguyễn Thị Hồng sẽ là nữ thống đốc đầu tiên trong lịch sử NHNN.
Bình luận (0)