Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại tổ 16 gồm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các đoàn: Sóc Trăng, Nam Định, Quảng Trị, Điện Biên, nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn về sự chồng chéo nội dung cũng như về đánh giá tác động khi tách Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng nên lấy ý kiến của ĐBQH về việc có tách luật Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật này hay không?
ĐBQH Đào Việt Trung (Nam Định), Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cho rằng qua nghe ý kiến của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, một số chuyên gia phát biểu tại thảo luận tổ, thấy rằng đây chưa phải là quyết định cuối cùng của Ủy ban Thường vụ QH. "Có lẽ bây giờ QH cần phải làm nhiệm vụ "trọng tài" - "bóng" đang ở chân QH mà lại đưa ra để thảo luận 2 dự thảo luật này, thì rõ ràng nếu chúng ta chưa thống nhất về mặt quan điểm mà thảo luận, sau này quyết định thì sẽ lãng phí thời gian" - ĐB Đào Việt Trung nói.
"Cá nhân tôi thấy rằng khi chưa có quyết định cuối cùng của Thường vụ (Ủy ban Thường vụ QH - PV) có lẽ QH nên có hình thức lấy ý kiến của các ĐB về việc có đồng ý hay không đồng ý tách 2 dự thảo luật như hiện nay đang trình không? Sau đó mới bàn về nội dung, chứ không sau này lại bảo thôi, không tách nữa, nhập lại rõ ràng sẽ lãng phí thời gian, vật chất" - ĐB Đào Việt Trung nêu quan điểm.
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên phát biểu
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng cho rằng sau phiên thảo luận này cần có ý kiến nghị với Ủy ban Thường vụ QH là nên lấy ý kiến của ĐBQH hội hai vấn đề. "Đầu tiên là có nên tách luật Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật này hay không? Sau đó mới bàn tiếp là các luật làm bao nhiêu chương, bao nhiêu điều" - ĐB Nguyễn Đức Kiên nói.
Theo vị ĐB là Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, "nếu xây dựng luật theo phương pháp luận như thế này, thì tôi nghĩ trên cái nền chúng ta không tin ai cả, chỉ có tin vào mỗi bản thân chúng ta là làm tốt, còn các bộ khác là không làm tốt. Và nếu không cẩn thận, sau này Bộ Công an cũng sẽ phải cấp cả bằng giáo viên, bằng bác sĩ".
Thảo luận tại tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cũng bày tỏ băn khoăn nhiều nội dung trong Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
"Dù cố gắng phân định, nhưng rõ ràng ở 2 dự thảo luật còn rất nhiều nội dung còn trùng, chồng chéo, dù mỗi luật có phạm vi điều chỉnh khác nhau" - ĐB Tùng nói và cho biết ông thực sự thấy băn khoăn về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn khi tách thành 2 luật.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng chưa cần nói về kỹ thuật soạn thảo, nhưng ĐBQH rất băn khoăn việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật. "Cá nhân tôi cũng vậy, thấy rất băn khoăn"- ông nói và cho biết cần phản ánh những băn khoăn này cho Ủy ban Thường vụ QH và cho rằng nếu cần thiết thì cần phải lấy ý kiến ĐBQH.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng với nội dung giấy phép lái xe, trong khi chúng ta đang chủ trương xã hội hóa, cái gì xã hội làm được sao "ta cứ phải ôm"?. "Tôi thấy việc tách thành 2 luật là không hợp lí. Chúng ta còn giao thông thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không, vậy sau này có tách luật nữa không?"- vị ĐB là Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH nói.
"Tuổi thọ của luật ngắn thì tuổi thọ của đại biểu cũng ngắn theo"
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng việc sửa luật, phía cơ quan soạn thảo chưa có sự so sánh với các điều luật cũ, làm rõ tại sao phải sửa. Trước đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Bùi Thiện Ngộ chuyển phần đào tạo, sát hạch lái xe về ngành Giao thông vận tải chắc phải có lý do nên khi chuyển về Bộ Công an cần phải phân tích làm rõ.
Bà Lan cho rằng có sự "lo lắng" khi đưa phần đào tạo, sát hạch lái xe về Bộ Công an bởi có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Việc sửa luật cần chỉnh sửa tổng thể, có tính dài hơi bởi không phải muốn sửa luật lúc nào thì sửa, rất phức tạp. "Sửa luật liên tục, tuổi thọ của luật ngắn thì tuổi thọ của đại biểu cũng ngắn theo"- bà Lan lo ngại.
Bình luận (0)