xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có quản được chơi hụi?

Minh Chiến - Đức Ngọc - Thanh Tuấn

Việc khai báo khi mở dây chơi hụi là cần thiết, tuy nhiên, nếu không giám sát, kiểm tra chặt thì tỉ lệ khai báo sẽ không cao

Từ ngày 5-4, Nghị định 19/2019/NĐ-CP (Nghị định 19) của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định về nguyên tắc tổ hụi: điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút ra, văn bản thỏa thuận; thứ tự lĩnh, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi.

Chưa thể hiện rõ vai trò quản lý

Nghị định 19 ban hành được kỳ vọng sẽ đưa việc chơi hụi vào khuôn khổ quản lý, hạn chế các mặt tiêu cực làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Thực tế, nhiều vụ vỡ hụi thời gian qua lên tới cả trăm tỉ đồng khiến người tham gia điêu đứng. Điểm mới của Nghị định là chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp phường, xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.

Có quản được chơi hụi? - Ảnh 1.

Bị cáo Đinh Thị Thúy, 47 tuổi, bị TAND tỉnh Đồng Tháp phạt 13 năm tù vì lừa đảo 1 tỉ đồng của hụi viên Ảnh: CÔNG TUẤN

Như vậy, vai trò của UBND cấp phường, xã đã được gắn với việc "nắm bắt" thông tin chơi hụi của người dân trên địa bàn. Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Do - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - cho rằng nên để chính quyền địa phương biết các tổ chức chơi hụi để tiện quản lý. "Thực tế tại địa phương hụi đã xuất hiện từ nhiều năm nay, người dân chơi rất đông, thậm chí cán bộ xã cũng chơi. Đến khi vỡ nợ, chủ hụi ôm tiền tỉ bỏ trốn khiến nhiều người trắng tay. Còn chính quyền địa phương không thể xử lý được vì không có chế tài, luật cũng không cấm" - ông Do cho hay. Cũng theo ông Do, nếu có quy định quản lý việc này sẽ rất có lợi cho cả người chơi và người tổ chức. "Vừa qua ở xã có vụ vỡ hụi, người này, người kia cứ kêu mất cả trăm triệu, cả tỉ đồng nhưng chẳng có gì làm căn cứ. Bây giờ có cơ quan quản lý thì tiền bạc thế nào, góp vốn bao nhiêu thì sẽ rõ, qua đó hạn chế được tình trạng chơi hụi ảo với nhau dẫn tới vỡ hụi" - ông Do nói. Dù vậy, nghị định lần này cũng chỉ mới nêu nội dung khai báo với chính quyền địa phương chứ chưa thể hiện rõ vai trò quản lý, giám sát.

Nhiều người tham gia chơi hụi ở Nghệ An cho rằng không cần thiết phải khai báo. "Việc chơi hụi là thỏa thuận giữa một nhóm người với nhau, hoạt động theo hình thức tự thỏa thuận. Do vậy, việc thông báo cho chính quyền thì cũng phải làm rõ việc thông báo đó giúp ích gì cho người chơi hụi. Khi xảy ra vỡ hụi, chính quyền có chịu trách nhiệm gì không?" - bà Nguyễn Thị Phượng (trú phường Đông Vinh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đặt vấn đề.

Không đủ lực lượng giám sát

Băn khoăn với nội dung chủ hụi phải khai báo với chính quyền địa phương, luật sư (LS) Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết nếu chỉ khai báo mà không có quản lý, giám sát thì không mang nhiều ý nghĩa. "Việc khai báo là cần thiết nhưng chỉ là nắm thông tin, còn những hoạt động cụ thể tại dây hụi, diễn biến hoặc biến tướng thì vẫn rất khó kiểm soát. Hơn nữa, việc khai báo hay không còn phụ thuộc vào chủ hụi, vì UBND xã không thể kiểm soát, không đủ nhân lực để đôn đốc, giám sát từng nơi. Chơi hụi thuộc quan hệ dân sự, nên chính quyền cũng rất khó để can thiệp sâu" - LS Ứng nhấn mạnh.

LS Nguyễn Danh Huế (Đoàn LS TP Hà Nội) cũng nhìn nhận việc chơi hụi phải khai báo với chính quyền sẽ hạn chế rủi ro cho người chơi nhưng thách thức quản lý hình thức hụi là rất lớn đối với cơ quan có thẩm quyền. "Nhiều vụ vỡ hụi xảy ra, cơ quan có thầm quyền gặp khó khi xác minh sự việc, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý do thông tin người tham gia dây hụi được ghi chép sơ sài. Do đó, việc khai báo với chính quyền sẽ là một căn cứ về thông tin" - LS Huế nói. Vị LS này cho rằng việc khai báo sẽ có ý nghĩa nhất định nhưng quan trọng nhất vẫn là sự giám sát của chính quyền địa phương, tuy nhiên, điều này đặt ra những vấn đề về nhân sự, khả năng chuyên môn.

Ông Phạm Xuân Lực, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An, cho biết: "Mới đây, trên địa bàn xã cũng đã xảy ra một vụ vỡ hụi khiến hơn 100 người bị mất số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Việc chơi hụi là hoàn toàn tự phát, chính quyền không biết nên khi xảy ra vỡ hụi cũng không hỗ trợ gì nhiều cho người chơi. Nhưng việc tổ chức dây hụi phải thông báo cho chính quyền là rất cần thiết. Vì nếu có thông tin, chính quyền sẽ có những hướng dẫn, cảnh báo cũng như đề nghị cơ quan chức năng liên quan vào cuộc, ngăn chặn kịp thời khi có dấu hiệu vỡ hụi để hạn chế thiệt hại".

Các LS cho rằng bên cạnh biện pháp khai báo, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo với người dân các hình thức hụi biến tướng. Đối với người dân, khi chơi hụi cần có chọn lọc, tìm hiểu kỹ về chủ hụi, có thông tin rõ ràng, khi đóng hụi cần phải ghi chép, thỏa thuận để tránh rủi ro. 

Chủ hụi chấp nhận đi tù

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ vỡ hụi lớn khiến hàng trăm người rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng. Điển hình như xã Khánh Thành và Bảo Thành, huyện Yên Thành chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra hàng loạt vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Tại huyện Đô Lương, mấy chục hộ dân ở huyện này đã mất gần 24 tỉ đồng khi một chủ hụi tuyên bố vỡ nợ. Tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, hơn 100 hộ dân suốt 2 năm nay khốn khổ khi một chủ hụi trên địa bàn ôm hơn 10 tỉ đồng rồi tuyên bố không còn khả năng chi trả, chấp nhận ra tòa, nhận án tù, có trường hợp trốn biệt tích.

Chủ hụi không báo, phường không phạt được

Nhiều lãnh đạo phường cho hay vẫn còn phải chờ cơ quan cấp trên hướng dẫn cách thực hiện cũng như quy định cụ thể hơn về mức phạt.

Chủ tịch một phường ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết các đường dây hụi đã tồn tại hàng chục năm nhưng đây là lần đầu tiên có quy định cụ thể về việc quản lý loại hình này. Dù vậy, nghị định mới đưa ra được khung pháp lý chứ chưa đi vào chi tiết về mức phạt, hình thức xử lý cụ thể cho từng trường hợp vi phạm. Điểm mới của nghị định đó là khống chế mức lãi suất không vượt quá 20%/năm để tránh trường hợp người tham gia vào các dây hụi có lãi suất cao rồi sau đó bị giật hụi. Tuy nhiên, nghị định có áp dụng vào thực tế được hay không vẫn chờ vào sự tự giác của các chủ đường dây hụi.

Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết từ trước đến nay chưa có ai báo cáo về việc đang tổ chức, tham gia đường dây hụi, phường cũng không thống kê được có bao nhiêu đường dây hụi trên địa bàn. Thông thường, các đường dây hụi không báo cho chính quyền địa phương mà chỉ khi nào bị vỡ hụi, giật hụi thì người chơi mới báo chính quyền. Ông Tú cho biết Nghị định 19 đã điều chỉnh việc chơi hụi qua việc yêu cầu chủ hụi thông báo với phường nhưng nếu chủ hụi không thông báo thì phường cũng khó biết. Ngoài ra, nghị định có điều khoản xử phạt trong trường hợp chủ hụi không thông báo nhưng mức phạt cụ thể là bao nhiêu, hướng dẫn cách xử phạt vẫn chưa có nên vẫn phải chờ. "Trước mắt, phường sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân biết được quy định và chủ động thông báo với phường" - ông Tú cho biết. Ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch UBND phường Tam Bình (quận Thủ Đức), nói: "Phường vẫn đang chờ TP và quận hướng dẫn cụ thể để thực hiện theo quy định. Trước mắt, địa phương chỉ thông báo đến các hộ dân về nội dung Nghị định 19/2019 quy định người tham gia chơi hụi khi có hiệu lực".

Khi được hỏi về Nghị định 19/2019 quy định chủ hụi phải có văn bản thông báo đến các phường, xã nơi mình cư trú, những người chơi hụi cũng bất ngờ. Từng bị chủ hụi "quỵt" tiền cả trăm triệu đồng đến nay vẫn chưa lấy lại được, ông T. (ngụ quận Thủ Đức) cho rằng nghị định ban hành là cần thiết nhằm tránh tình trạng vỡ hụi, gây thiệt hại cho người tham gia. "Lúc xảy ra chuyện thì tôi mới thấy mình quá dại dột khi tin vào chủ hụi. Nếu nghị định này được thực thi thì người chơi hụi yên tâm hơn" - ông T. nêu ý kiến. Ông C. (một chủ hụi ở quận 4) khẳng định rất khó để "nhà cái" thông báo cho chính quyền địa phương về đường dây hụi mình đang tổ chức. "Tôi cho rằng vấn đề này rất khó vì chủ hụi sợ phiền phức khi công khai thông tin cá nhân và số tiền chơi hụi. Ngoài ra, người tham gia chơi hụi gồm đủ các thành phần nên việc thông báo cho chính quyền địa phương là rất khó" - ông C. nói.

Sỹ Hưng - Sỹ Đông

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo