Liên quan đến vụ cây "quái thú" hiện đang bị tạm giữ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế khi đang trên đường vận chuyển từ Đắk Lắk ra Bắc, luật sư Bùi Đình Ứng (Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết việc khai thác, vận chuyển cây phải tuân thủ Quyết định 39/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, trong vụ việc trên, cây đang vận chuyển được coi là cây cổ thụ, bởi căn cứ vào tuổi đời của cây từ 50 năm trở lên hoặc có đường kính tại vị trí 1,3 m đo được từ 50 cm trở lên.
Cây "quái thú" đang bị tạm giữ ở Huế - Ảnh: Q.Nhật
"Theo thông tin ban đầu trên báo chí, 3 cây "quái thú" được khai thác trong vườn nhà, hộ gia đình nên hồ sơ hợp lệ phải bao gồm: Hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có xác nhận của UBND cấp xã"- luật sư Ứng cho hay.
Ngoài việc xác nhận nguồn gốc cây xanh, cây bóng mát, cây cổ thụ của UBND cấp xã, các bên mua bán cần phải có thêm chữ ký của kiểm lâm địa bàn trên bảng kê. "Kiểm lâm địa bàn cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác, nguồn gốc hợp pháp của cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ"- vị luật sư nói.
Trách nhiệm đúng, sai về mặt quản lý trong vụ 3 cây "quái thú" này, theo luật sư Ứng thuộc về UBND cấp xã và kiểm lâm địa bàn. Còn để được lưu hành trên đường thì phải xin giấy phép vận chuyển dạng đặc biệt theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Khánh Toàn, lãnh đạo một công ty chuyên đánh chuyển cây xanh ở khu vực Hà Nội, cho biết quy trình xác nhận nguồn gốc cây phải được thực hiện đầy đủ trước khi vận chuyển đến vị trí trồng mới. Trong đó, vai trò của UBND cấp xã và kiểm lâm địa bàn là quan trọng nhất đối với những giấy tờ pháp lý liên quan đến cây xanh, cây bóng mát, cây cổ thụ.
"Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý về nguồn gốc cây, cá nhân hoặc tổ chức phải đảm bảo thủ tục về vận chuyển theo quy định. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, cây được bao bọc bằng chăn, vải mềm tránh việc tróc vỏ cây, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây"- ông Toàn cho biết.
Điều 3, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ:
Xác nhận nguồn gốc cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ
1. Cơ quan có thẩm quyền xác nhận
a) Hạt Kiểm lâm cấp huyện hoặc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở những địa phương không có Hạt Kiểm lâm cấp huyện xác nhận trong các trường hợp sau:
Cây có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên, rừng trồng tập trung trong nước của tổ chức xuất ra;
Cây có nguồn gốc nhập khẩu được gây trồng của tổ chức, cá nhân xuất ra;
Cây sau xử lý tịch thu của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra;
b) Hạt Kiểm lâm khu rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm khu rừng phòng hộ xác nhận cây xuất ra có nguồn gốc khai thác hợp pháp trong khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ và cây sau xử lý tịch thu theo thẩm quyền xử lý của mình.
c) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) xác nhận trong các trường hợp sau:
Cây có nguồn gốc khai thác từ vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán của tổ chức xuất ra;
Cây có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, trồng phân tán của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra.
Bình luận (0)