Thực trạng này đã được người đứng đầu Chính phủ nhận xét thẳng thắn tại hội nghị phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức ngày 16-7, rằng: "Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp".
Năm 2019 cũng là một ví dụ rất rõ khi giải ngân vốn đầu tư công của cả nước là hơn 270.000 tỉ đồng, chỉ đạt 62,94% so kế hoạch Quốc hội giao và 67,46% kế hoạch Chính phủ giao. Có đến 15 bộ, ngành và 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân chỉ dưới 60%. Giải ngân vốn nước ngoài cũng chỉ đạt hơn 18.871 tỉ đồng (bằng 39,89%).
Cứ lấy Đắk Nông làm đơn cử. Tỉnh này rất cần vốn đầu tư để giải quyết rất nhiều vấn đề về hạ tầng. Năm 2019, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển do tỉnh quản lý là 2.359 tỉ đồng nhưng giải ngân chỉ được 1.408 tỉ đồng (60%); vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 294 tỉ đồng chỉ giải ngân đến kỳ báo cáo là 27,4%; kế hoạch vốn ODA hơn 512 tỉ đồng cũng chỉ giải ngân được 35,5% kế hoạch.
"Nhà giàu", tiền bạc rủng rỉnh thì đã một lẽ. Nhưng lạ là trong danh sách giải ngân chậm lại có rất nhiều địa phương hễ có dịp là "than nghèo kể khổ" rồi có cả những địa phương lâu nay rất tự hào về sự năng động... Như với kế hoạch giải ngân tổng số vốn đầu tư công của cả nước tương đương 633.000 tỉ đồng trong năm 2020, Thủ tướng nêu đích danh một số địa phương đến thời điểm hiện tại vẫn giải ngân rất chậm, chỉ mới dưới 20% kế hoạch là: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Ninh Thuận, Đồng Nai.
Lạ nữa là trong bối cảnh vốn đầu tư công tiêu không hết thì các tỉnh lại đua nhau tổ chức các hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư, bỏ tiền tỉ để tổ chức tại địa phương cũng có, mà tận TP HCM hay thủ đô Hà Nội cũng có; thậm chí nhiều tỉnh còn bỏ tiền cho cán bộ ra nước ngoài hết đoàn này đến đợt khác với danh nghĩa đi "mời gọi đầu tư". "Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại một đống tiền ngay trên địa bàn của anh, không chịu giải quyết. Tại sao anh cứ đổ nguyên nhân khách quan này khách quan khác" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng.
Có rất nhiều nguyên nhân được các chuyên gia mổ xẻ, phân tích để thấy vì sao có sự yếu kém triền miên trong việc giải ngân vốn đầu tư công ở nước ta. Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra một loạt nguyên nhân từ công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án đến thủ tục điều chỉnh, công tác lập kế hoạch, giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án, nhiều địa phương là điểm nghẽn khiến việc giải ngân vốn bị chậm...
Nhưng còn một nguyên nhân nữa lâu nay ít được nói đến. Đó là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Lần này thì Thủ tướng nói thẳng: "Anh không làm thì phải có biện pháp với anh, chứ không làm, biết đó mà không xử lý. Nói hoài, nói mãi mà không chịu làm thì nghĩa làm sao, không lẽ chúng ta vô hiệu trong chuyện này sao?".
Bình luận (0)