Ngày 24-7, tại Hội nghị thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết cơ chế một cửa quốc gia đã được triển khai gần 4 năm qua, tuy nhiên kết quả còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Số lượng thủ tục triển khai còn thấp so với yêu cầu, chỉ đạt 53/283 thủ tục.
Công nghệ chưa đáp ứng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỉ trọng lớn; hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỉ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%). Bên cạnh đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung tương đối nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại hội nghị ngày 24-7
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ ra "điểm yếu" của việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia hiện nay là hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được. Đến nay, Bộ Công Thương đã có 6/11 thủ tục kết nối tại hệ thống, mặc dù bộ đã hoàn thành thêm 5 thủ tục (đủ 11/11-PV) nhưng giải pháp công nghệ ở những nơi khác chưa đủ, chưa đáp ứng được. "Theo kế hoạch đến cuối năm 2018, Bộ Công Thương sẽ kết nối thêm 6 thủ tục, nâng tổng số lên 17 nhưng do nền tảng, giải pháp công nghệ chưa theo kịp nên bộ đã chuyển sang đầu năm 2019" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay và kiến nghị Chính phủ nghiên cứu phương án cho bên thứ 3 vào cung cấp hạ tầng, giải pháp công nghệ.
Là đơn vị nghiên cứu độc lập, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), đánh giá cơ chế một cửa quốc gia hiện nay chỉ mới kết nối những thủ tục ít người sử dụng. Việc kết nối đang được thực hiện theo hướng những thủ tục nào mất ít quyền lợi thì kết nối, còn những thủ tục mất nhiều quyền lợi thì không.
Viện trưởng CIEM cũng kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật "trói" doanh nghiệp. Ông Cung dẫn các thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch động vật đang gây phiền hà, tốn kém thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. "Một số thủ tục được cắt giảm, kiểm tra chuyên ngành được cải cách khiến cộng đồng doanh nghiệp mừng rơi nước mắt" - ông Cung nói. Hiện nay, nhiều bộ, ngành cùng quản lý một mặt hàng, thậm chí trong một bộ lại có tới 2-3 cục cùng quản lý một mặt hàng.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết địa phương này là đầu mối giao thương lớn, có hệ thống cảng biển, hàng không, giao thông kết nối sôi động nên nhu cầu về thực hiện cơ chế một cửa, tạo điều kiện khi thông quan là rất thiết thực. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm xây dựng, tạo dựng hành lang pháp lý cho việc trao đổi thủ tục điện tử, chứng từ điện tử trong nước, bảo đảm được an toàn bảo mật thông tin khi thực hiện.
Không "ôm giữ" điều kiện không cần thiết
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).
Mặc dù đặt mục tiêu cải cách hành chính lên hàng đầu, tuy nhiên Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành về việc chống gian lận thương mại, buôn lậu, vi phạm về an toàn thực phẩm. "Bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, cần phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả hàng xuất và nhập. Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về các vấn đề vừa nêu" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng tuyên dương một số bộ như Công Thương, Y tế, Giao thông Vận tải, Khoa học - Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Đối với những bộ, ngành không được biểu dương, Thủ tướng khẳng định những đơn vị này còn gây phiền hà cho doanh nghiệp, cho sản xuất kinh doanh và chưa thực hiện tốt chủ trương mà Chính phủ giao.
Thủ tướng giao các bộ, ngành chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp. "Minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất" - Thủ tướng chỉ đạo.
Xem doanh nghiệp là đối tác
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), kiến nghị các bộ, ngành nên xem doanh nghiệp là đối tác hơn là đối tượng, để doanh nghiệp được tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng. "Chúng tôi mong muốn những ý kiến của mình khi gửi bằng email hay điện thoại cũng được giải quyết, không phải nhất thiết bằng công văn dấu đỏ. Nếu coi doanh nghiệp là đối tác thì sẽ giải quyết được những mục tiêu mà Chính phủ đề ra" - ông Nam nhấn mạnh.
Bình luận (0)