xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khổ sở vì kiểm tra chuyên ngành

Bài và ảnh: Trọng Đức

Doanh nghiệp than phiền mỗi năm mất đến 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng chi phí cho các thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Ngày 19-9, tại TP Hải Phòng, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì đã kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính; các quy trình, thủ tục KTCN, thời gian thông quan thực tế tại cửa khẩu Hải Phòng.

Tốn chi phí, kém hiệu quả

Sau khi trực tiếp kiểm tra thực địa tại Chi cục Hải quan Hải Phòng Khu vực 3 và cảng Đình Vũ, nơi các doanh nghiệp (DN) làm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra thú y... thuộc quản lý của các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng cùng lãnh đạo bộ, ngành, hiệp hội DN.

Ông Mai Tiến Dũng thẳng thắn chỉ ra thời gian KTCN hiện nay rất dài, chiếm tới 78% tổng thời gian thông quan hàng hóa, trong khi thời gian của hải quan chỉ 22%. Cụ thể, Hải quan Hải Phòng cho biết thời gian làm thủ tục theo quy định không quá 50 giờ nhưng vẫn phải chờ kết quả KTCN, khiến thời gian thông quan trung bình khoảng 10 ngày.

Khổ sở vì kiểm tra chuyên ngành - Ảnh 1.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc về công tác kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu Hải Phòng

Bộ trưởng dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy mỗi năm, DN mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng chi phí cho các thủ tục này. "Việc kiểm tra tốn chi phí, thời gian vô cùng lớn như vậy nhưng tỉ lệ lô hàng vi phạm chỉ phát hiện 0,06% là rất bất cập. Ngay trong tuần, tổ công tác sẽ kiểm tra Bộ Y tế và Bộ Công Thương về vấn đề này" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Ngoài ra còn tình trạng nhiều mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, có mặt hàng tới 4 văn bản, chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ, gây sự chồng chéo, tạo gánh nặng chi phí cho DN. Trong số 680.000 tờ khai hải quan 6 tháng đầu năm nay tại Hải Phòng chỉ có 64.000 tờ khai thuộc đối tượng phải KTCN (chiếm 9,44%) nhưng thời gian thông quan lại rất dài. Thêm nữa, việc KTCN không hề có phân luồng như hải quan, tức là kiểm tra 100% trong khi nhiều lúc chỉ kiểm tra bằng cảm quan vì không có không có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể .

"Tiếng là KTCN nhưng làm thủ tục là chính, còn kiểm tra xét nghiệm sản phẩm không kiểm tra hoặc rất ít. Có kiểm tra cũng chỉ bằng nhãn quan, cảm tính, mắt nhìn, tay sờ, trong khi DN phải đóng 1.050.000 đồng/hồ sơ. Không bật container, không mang sản phẩm nhưng vẫn xét nghiệm được, không phân loại DN ưu tiên" - người đứng đầu VPCP nhận xét.

Kết luận về vấn đề này, bộ trưởng chia sẻ tinh thần của Chính phủ là vẫn phải bảo đảm quản lý nhà nước, không thể bỏ việc KTCN nhưng phải thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng kiểm tra rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm...

Đồng loạt dừng hoạt động, trả phù hiệu

Cũng tại buổi làm việc này, các hiệp hội DN có ý kiến đề nghị Chính phủ xóa bỏ 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 và đề nghị TP Hải Phòng xem xét giảm phí hạ tầng cảng biển.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết thời gian qua đã có tới 30%-50% phương tiện phải dừng hoạt động, trả phù hiệu để không phải nộp các khoản phí. Hiện khoảng trên 80% lượng xe tải chọn Quốc lộ 5 cũ mà không đi qua đường cao tốc vì mức phí quá đắt. Một chuyến hàng container từ Hải Phòng đến Hà Nội theo ông Thanh có chi phí đường bộ là 3,6 triệu đồng trong khi đường sắt là 2,8 triệu đồng, hàng không là 2,6 triệu đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị trong trường hợp không xóa bỏ được 2 trạm thu phí thì Chính phủ nên nghiên cứu giảm phí xuống chứ để mức phí như hiện tại là quá cao. "Người dân trong khu vực và DN rất bức xúc về việc đường cũ do ngân sách nhà nước làm mà phí lại tăng lên cao gấp 4 lần so với trước (từ 10.000 đồng lên 40.000 đồng - PV). Nếu không xóa bỏ, miễn giảm phí thì cần miễn thu phí bảo trì đường bộ cho toàn bộ DN vận tải chạy tuyến cố định, xe container ở khu vực Hải Phòng để tránh tình trạng phí chồng phí" - ông Thanh nói.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, khẳng định UBND TP Hải Phòng đang tổng hợp ý kiến tham gia của 4 hiệp hội gồm Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Logistics Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, cùng các đơn vị có liên quan để từ đó rà soát lại, tiếp thu và điều chỉnh mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành, việc điều chỉnh mức thu phí hạ tầng cảng biển sẽ được đưa ra vào kỳ họp HĐND TP Hải Phòng tháng 12 tới để thông qua.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh đối với mức thu phí hàng hóa xuất nhập khẩu đóng container loại 20 feet và 40 feet tại cảng, qua khảo sát, xem xét mức thu như hiện nay là phù hợp. Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là hàng lỏng hàng rời, sẽ đề xuất xem xét điều chỉnh mức thu từ 20.000 đồng/tấn giảm xuống mức 16.000 đồng/tấn.

Ông Thành cho hay so với mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng trong khu vực cửa khẩu đất liền, của các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn thì mức thu của TP Hải Phòng chỉ bằng 50% đối với container loại 20 feet và 62,5% đối với container loại 40 feet.

Về nội dung này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng xem xét. "Theo tôi thì đề xuất của hiệp hội có phần hợp lý. Chủ trương của Chính phủ, của Thủ tướng hiện là nỗ lực giảm chi phí chính thức và không chính thức của DN" - bộ trưởng khẳng định.

Hải quan giải trình "phí ngầm"

Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm VPCP về việc DN phản ánh phải nộp 100.000 đồng làm thủ tục kiểm hóa 1 container và 50.000 đồng cho 1 bộ tờ khai, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, khẳng định không hề có một chủ trương nào như vậy và cho rằng "đó có thể chỉ là ý kiến của cá nhân cá biệt nào đó thôi".

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung lại cho biết đã hỏi rất nhiều người về "phí ngầm" và đều nhận được những trả lời tương đối giống nhau. Ông Cung đề nghị hải quan nên kiểm tra nhiều hơn chứ ngay lập tức phản ứng "tôi không có gì cả" thì chưa thỏa mãn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hải quan Hải Phòng và Tổng cục Hải quan chấn chỉnh, quán triệt lực lượng hải quan toàn quốc trước việc DN, báo chí vẫn phản ánh tình trạng cán bộ nhận phong bì của DN. Nếu phát hiện thì dù nhiều hay ít cũng phải xử lý.

Đừng làm doanh nghiệp chán kinh doanh

Cùng ngày, tại hội thảo "Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách cho tăng trưởng" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức ở Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu quan điểm tất cả những thay đổi về chính sách cần tiếng nói và động thái nhất quán của Chính phủ.

Ông Tuấn dẫn việc TP Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Ông cho biết cách đây 3 ngày nhận được email của một DN có trụ sở tại Thái Nguyên phàn nàn phải nộp phí 20.000 đồng/tấn hàng rời nhập khẩu. Hằng năm, DN nhập về tàu lớn ở Hải Phòng rồi chia nhỏ sang tàu đường sông để về cảng, tính toán mỗi năm mất thêm 200-300 triệu đồng phí nên lợi nhuận giảm rất mạnh. Lãnh đạo DN cho biết đang chán nản, nếu kinh doanh không hiệu quả sẽ phải giảm quy mô hoạt động. "DN này có doanh số 800 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách 30 tỉ đồng/năm. Hải Phòng thu thêm được một chút phí, có lợi cho địa phương nhưng đằng sau đó là năng lực cạnh tranh của DN. Nếu DN thu hẹp sản xuất hoặc không kinh doanh nữa thì con số 300 triệu đồng phí địa phương thu được có thể phải đánh đổi để mất đi 30 tỉ đồng ngân sách. Các địa phương ban hành chính sách phí hoàn toàn phù hợp pháp luật nhưng vấn đề là phải nhìn từ lợi ích toàn cục, lợi ích quốc gia, từ lao động sử dụng và năng lực cạnh tranh. Cần tạo hứng khởi hơn cho các DN hoạt động chứ không phải làm cho họ chán kinh doanh" - ông Tuấn nhấn mạnh.

T.HÀ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo