Hơn nữa, cán bộ phải biết "từ chối quyền lực" khi bản thân không đủ năng lực, uy tín để đáp ứng yêu cầu trọng trách được giao; coi từ chức là sự giữ gìn liêm sỉ chứ không phải là hành động văn hóa.
Song song đó, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức Đảng và hoạt động quản lý nhà nước để kiểm soát quyền lực gắn với phát huy vai trò của người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của những người là thành viên cấp ủy, thường vụ cấp ủy các cấp trong giám sát, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu; khắc phục tình trạng nể nang, "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh" khi người đứng đầu có dấu hiệu áp đặt, dân chủ hình thức.
Thực tế, nhiều cán bộ lúc mới được trao quyền là người tốt, rất chí công nhưng càng về sau càng có xu hướng lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực. Nhiều thành viên trong cấp ủy, thường vụ biết điều này nhưng chưa đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
Quyền lực là quyền của nhân dân. Vì vậy, cần sớm thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực; làm thế nào để khuyến khích người dân dám nói, tích cực phản ánh, góp ý với Đảng về công tác cán bộ.
Nhân dân luôn kỳ vọng các công bộc của dân - người đại diện chính trị của mình có bản lĩnh, liêm chính, không đứng ngoài cuộc đấu tranh chống tha hóa quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng đang ở thời điểm quyết liệt hiện nay.
Bình luận (0)