Bất thường đầu tiên là trong lúc QLTT thanh - kiểm tra hàng loạt cửa hàng của Con Cưng thì chủ doanh nghiệp này ra thông báo: "Tặng 1 tỉ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện nhập hàng không chính hãng".
Thông điệp này mang tính trấn an nhưng cũng hàm chứa sự thách thức. Dẫu rằng Con Cưng tự tin có đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh cho việc nhập hàng chính hãng từ các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nhưng đó là chuyện của Con Cưng khi giải trình, đối phó với cơ quan QLTT. Còn người tiêu dùng, họ chỉ cần chứng mình họ được tôn trọng, chi tiêu của họ dành cho sản phẩm Con Cưng là xứng đồng tiền bát gạo. Để củng cố niềm tin này, Con Cưng phải chứng minh được sự vô can của mình trong vụ nhãn mác "hồn Trương Ba, da hàng thịt" bị khách hàng tố giác vừa qua. Ngay cả khi đó chỉ là sự cố cá biệt, cũng nên bày tỏ thiện chí bằng cách xin lỗi "thượng đế".
Chẳng làm thế mà đi treo thưởng 1 tỉ đồng cho người đầu tiên phát hiện Con Cưng nhập hàng không chính hãng là đẩy vụ việc lên cao trào hơn, bất lợi cho chính mình. Người tiêu dùng bỗng dưng bị dồn vào thế bị thách thức, lỡ như có làn sóng khách hàng đổ xô đi truy lùng hàng "Con Cưng fake" thì sao? Đó là chưa kể nguy cơ bị kẻ xấu hoặc đối thủ cạnh tranh chơi khăm, gài hàng. Hậu quả khi ấy sẽ khôn lường.
Có lẽ nhận thức được những mối nguy tiềm ẩn đó mà ngày 2-8, công ty này gỡ thông báo thưởng 1 tỉ đồng khỏi trang web của mình, đồng thời giải thích do đang "trong bối cảnh không phù hợp" (!). Nhưng làm thế thì cũng đã muộn, bởi sẽ bị cáo buộc thất hứa, "có tật giật mình", vì hôm 31-7, QLTT đã công bố chuỗi siêu thị Con Cưng có 7 dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng hóa. Việc rút thông báo thưởng "khủng" cho thấy vừa bất nhất vừa bất thường.
Thêm bất thường nữa, trong lúc phải hứng chịu nhiều cáo buộc bất lợi thì từ phía công ty này thiếu phương án xử lý truyền thông phù hợp. Người tiêu dùng rất cần Con Cưng đưa ra luận điểm dựa trên những luận chứng và luận cứ thuyết phục; các kênh truyền thông uy tín cũng cần thông tin có chính thống để đăng phát, qua đó có lợi cho Con Cưng. Thực tế thì ngược lại, thật khó hiểu!
Bài học của Khaisilk nay vẫn còn đó. Gian dối của Khaisilk là rất khó dung thứ nhưng hình ảnh ông chủ Hoàng Khải cúi đầu nhận tội và xin lỗi người tiêu dùng từ rất sớm rõ ràng là sự cầu thị, thể hiện thái độ phục thiện. Những doanh nghiệp nội địa lỡ giẫm lên vết xe đổ của Khaisilk thì lẽ ra phải luôn nhớ bài học này. Trong và sau xì-căng-đan, người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp và yếu tố quyết định đó phụ thuộc nhiều vào thái độ và hành động của chủ doanh nghiệp ra sao...
Người tiêu dùng nội địa không khoan nhượng trước hành vi gian thương song đã sẵn có niềm tin yêu hàng Việt, ủng hộ doanh nghiệp trong nước, tôn trọng những thương hiệu tiến nhanh (như Con Cưng) cho nên nếu lỡ phải "nhúng chàm" thì doanh nghiệp hãy sớm ý thức, quay đầu là bờ…!
Bình luận (0)