Điều này đang được nhiều người nhắc lại nhân việc "con cưng" Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, thuộc Bộ Giao thông Vận tải) vừa đưa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào khai thác đã hư hỏng ngay. VEC là DN được cầm đồng vốn hoặc từ ngân sách hoặc đứng danh nghĩa nhà nước để vay rồi đem đầu tư vào công trình nhưng rốt cuộc là công trình thi công xong có cái vừa đưa vào hoạt động đã hỏng. Mục tiêu đầu tư như vậy là không đạt.
Nhiều người thì ví các DN nhà nước kiểu như VEC không khác gì những "ông chủ" ban phát công trình cho các nhà thầu theo kiểu "phát canh thu tô", quá sướng vì quản lý đồng vốn và chất lượng thi công cho tốt thì cứ yên tâm ngồi rung đùi mà hưởng. Hưởng từ lợi ích công trình mang lại rồi hưởng theo luật ngầm "lại quả" của nhà thầu.
Nhưng việc quản lý cho tốt là chuyện rất khó đối với thực trạng của nhiều DN nhà nước, cả về đồng vốn lẫn chất lượng công trình. Dễ thấy nhất là trong đầu tư các công trình giao thông vận tải. Rất nhiều công trình giao thông như đường, cầu, cống… thi công từ thời Pháp thuộc, thời mà kỹ thuật hẳn phải rất lạc hậu so với bây giờ, thế nhưng công trình vẫn bền vững với thời gian, thậm chí vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" ngay cả khi có thông báo hết hạn sử dụng. Trong lúc đó, rất dễ thấy các tuyến đường do DN của chính ngành giao thông vận tải của ta đại diện đầu tư hay trực tiếp thi công ngay khi đưa vào sử dụng chưa lâu đã thấy thòi sự kém chất lượng qua những "ổ gà, ổ voi", sụt lún, thậm chí vừa đưa vào sử dụng đã hỏng như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Vậy nhưng các công trình giao thông, xây dựng mang tính chiến lược, vốn đầu tư lớn, hầu hết đều dễ dàng rơi vào tay DN nhà nước, ấy là nhờ cơ chế. Rồi khi không trực tiếp thi công thì DN nhà nước trao công trình vào tay DN tư nhân rồi DN tư nhân lại đem bán thầu có khi qua rất nhiều tầng nấc, đồng vốn vơi đi đáng kể mới thực sự đến công trình. Công trình đội vốn thì ngân sách lo, hư hỏng có ngân sách chịu, chỉ lợi ích từ công trình thì DN hưởng.
Bởi vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói thẳng là DN nhà nước gần như không quan tâm đến vấn đề rủi ro, bởi làm việc theo tư duy lời ăn, lỗ nhà nước chịu. Tư duy như thế nên rủi ro không phải là vấn đề lớn với họ trong khi lại rất hệ trọng đối với DN tư nhân.
Hy vọng Quốc hội sẽ sớm có nghị quyết rõ ràng về việc phải có đấu thầu công khai minh bạch, có sự tham gia của kinh tế tư nhân trong nhiều lĩnh vực, giảm tình trạng độc quyền trong xây dựng kết cấu hạ tầng như đã diễn ra... là mong muốn của nhiều chuyên gia kinh tế. Đây không chỉ là cơ sở để DN tư nhân có cơ hội lớn mạnh mà còn chính là điều kiện để giảm bớt sự ôm đồm của nhà nước. n
Bình luận (0)