Câu chuyện bỏ tiền mua giải trong các cuộc thi nhan sắc lâu nay được đề cập nhiều trên công luận nhưng cũng chỉ là dư luận bùng lên rồi tắt. Đây là lần đầu tiên chính thí sinh đoạt vương miện cuộc thi đứng đơn tố cáo ban tổ chức (BTC) mua bán giải nên những nghi ngờ kiểu "lời ong tiếng ve" lâu nay trong dư luận đã được "hiện thực hóa".
Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - khẳng định trên báo chí rằng cục này không hề cấp phép cho cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 và cho biết ngoài cơ quan quản lý này ra, không cơ quan hay địa phương nào có chức năng cấp phép cho cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia như thế này. Điều này đúng với nghi ngờ cuộc thi tổ chức không phép của thí sinh tham gia, do đã liên hệ BTC đề nghị cung cấp giấy chứng nhận hoa hậu của cuộc thi nhưng không được giải quyết.
Vì tính pháp lý của cuộc thi không có nên giá trị các danh hiệu mà thí sinh đã bỏ ra rất nhiều tiền (gọi là tài trợ cuộc thi - theo nội dung đơn tố cáo) mới có được cũng không được ai thừa nhận nên mới bức xúc đến mức không thể "ngậm bồ hòn làm ngọt", buộc chính người được trao vương miện hoa hậu cuộc thi này phải làm đơn tố cáo BTC.
Có lẽ sự lo lắng của giới chuyên môn về tình trạng bát nháo thi nhan sắc vốn có lâu nay sẽ trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới là có cơ sở, nếu các địa phương không quản lý nổi việc cấp phép và hậu kiểm, sau khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP "Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn" ban hành ngày 14-12-2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2021, không hạn chế số lượng cuộc thi nhan sắc được tổ chức, giao quyền cấp phép cho địa phương nơi cuộc thi diễn ra.
Trong lời tố cáo của mình, thí sinh cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 cho biết cuộc thi không phép này diễn ra đêm chung kết duy nhất (18-11) tại phim trường Hy vọng (quận 8, TP HCM). Nhưng xem ra các cơ quan quản lý chức năng tại TP HCM không hay biết? Liệu rồi đây có bao nhiêu cuộc thi nhan sắc được tổ chức chui diễn ra tại các địa phương, dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng như vậy không? Và chắc chắn khi đó sẽ có nhiều thí sinh thành nạn nhân như thí sinh cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020.
Thi hoa hậu ngày nay không còn giữ được giá trị tốt đẹp ban đầu của nó là tôn vinh vẻ đẹp nhan sắc và nét đẹp tâm hồn của phụ nữ Việt, nhất là khi các cuộc thi hoa hậu trở thành hoạt động truyền thông giải trí, trở thành món hàng kinh doanh béo bở của các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, được xem như game show giải trí ăn khách. Chính vì vậy, giá trị hoa hậu cũng dần phai nhạt trong lòng công chúng. Không phải vô lý khi công luận phản đối việc chính quyền địa phương, một trường đại học lớn, nơi có thí sinh đoạt danh hiệu hoa hậu vừa qua, tổ chức đón rước rình rang.
Tuy nhiên, danh hiệu hoa hậu và các cuộc thi nhan sắc luôn hấp dẫn nhiều người, nhất là khi nó trở thành tấm giấy thông hành để các cô gái trẻ có được dễ dàng bước chân vào showbiz, được định giá cao trong các vai trò đại sứ nhãn hàng; các nữ doanh nhân có được lợi thế trong quảng bá thương hiệu đơn vị mình đang sở hữu, trong quan hệ, giao tiếp làm ăn. Cho nên bằng mọi giá, họ phải có được danh hiệu nhan sắc!
Bỏ tiền "tài trợ" để được danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc, vậy thì danh hiệu hoa hậu ấy còn ý nghĩa gì với đời sống xã hội? n
Bình luận (0)