Lâu nay, chúng ta nói nhiều về công nghệ thông tin (CNTT). Lợi ích thì quá rõ, khỏi nói lại. Nhưng, như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thì nay chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt, thế giới thay đổi nhanh và nhân loại bước vào một không gian sống mới - một sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại khi từ thế giới thực vào thế giới số. Thực tiễn ấy đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội nếu chúng ta biết nắm bắt.
Nhìn nhận về lĩnh vực này, trong Nghị quyết số 52-NQ/TW (ngày 27-9-2019), Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng "mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế", đồng thời khẳng định "nguyên nhân chủ quan là chính".
GS-TS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, khi nhìn nhận về thách thức lớn nhất của tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đã có một bài viết trên Báo Nhân Dân, khẳng định đấy chính là tư duy và nhận thức của chúng ta. Nếu tư duy và nhận thức của từng cá nhân không thay đổi thì không thể có chuyển đổi số. Người càng có trách nhiệm cao trong bộ máy công quyền càng cần sớm nhận thức tình hình. Như vậy, vấn đề quan trọng vẫn là ở chính con người.
Gần đây, chúng ta đã có nhiều nỗ lực số hóa. Cổng dịch vụ công quốc gia do Chính phủ xây dựng khai trương (tháng 11-2019) chỉ với 8 dịch vụ, nay mới sau hơn 1 năm đã chiếm đến 39% trong tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền. Người dân nhanh chóng thụ hưởng sự thuận tiện của một loạt dịch vụ thiết yếu. Mới nhất là cuối năm 2020, người dân lần đầu được biết và giám sát các dịch vụ y tế, nhờ việc Bộ Y tế triển khai chuyển đổi số y tế quốc gia thông qua Cổng công khai y tế.
Đấy chính là vài đơn cử minh chứng cho nỗ lực tiếp cận công nghệ số, chuyển đổi số ở nước ta.
Người Việt Nam thông minh, thừa năng lực để làm một "cuộc cách mạng" công nghệ số. Tiền để tạo hạ tầng cho công nghệ số cũng không quá thiếu thốn, nhưng nói như GS-TS Hồ Tú Bảo thì tư duy và nhận thức của chính chúng ta mới là thách thức lớn nhất. Điều này dễ thấy qua việc rất nhiều bộ - ngành, địa phương chuyển biến rất chậm trong việc ứng dụng CNTT và nỗ lực số hóa.
"Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm" - Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ chúng ta như thế. Chúng ta cũng luôn nói về khát vọng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Nhưng hùng cường và thịnh vượng sao nổi nếu không chịu tiếp cận những tiến bộ của nhân loại? Mà tiếp cận thì phải đều tay, quyết liệt và đồng lòng chứ cứ ì ạch, rồi nơi làm nơi không hoặc làm cho có thì rốt cuộc lại chỉ gây lãng phí.
Bình luận (0)