Sau khi nhận đơn cầu cứu của nhiều người dân xã Cát Khánh về việc hàng loạt cơ sở chế biến mực xà tự phát gây ô nhiễm môi trường, phóng viên đã về địa phương này để tìm hiểu.
Vừa về đến đầu làng ven biển An Quang Tây, xã Cát Khánh, chúng tôi đã bị sốc bởi mùi hôi thối, tanh nồng xộc thẳng vào mũi rất khó chịu, dù đang đeo khẩu trang khá dày. Theo nhiều người dân địa phương, mùi hôi thối này bốc lên từ hàng chục cơ sở chế biến mực xà ở trong thôn, cách đó khoảng vài trăm mét.
Theo ghi nhận, "thủ phạm" gây ô nhiễm môi trường ở làng An Quang Tây là những lớp mực xà được phơi dày đặc trên những tấm vỉ tre dài gác trên những thân cây gỗ cắm dưới mép biển. Phía bên dưới những tấm vỉ tre này, nước biển đục ngầu phủ trên lớp bùn đen đặc quánh, cũng bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tại hệ thống kênh mương trong khu dân cư, chất thải từ mực xà cùng với rác thải, túi ni-lông... cũng xộc lên một mùi hôi tanh khủng khiếp.
"Mỗi năm, chúng tôi phải cam chịu, sống chung với mùi hôi thối này kéo dài trong nhiều tháng liền. Thời gian qua, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm" - ông Nguyễn Tiện (ngụ thôn An Quang Tây) bức xúc.
15 cơ sở chế biến mực xà xả thải trực tiếp ra đầm Đề Gi gây ô nhiễm môi trường vừa bị xử phạt 613 triệu đồng
Tương tự như An Quang Tây, những năm qua, người dân ở làng ven biển An Quang Đông cũng lâm vào tình cảnh bị "tra tấn" bởi hàng chục cơ sở chế biến mực xà tại nơi này. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở chế biến mực xà đã xả nước thải, chất thải sơ chế trực tiếp ra đầm Đề Gi mà không qua hệ thống xử lý, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, địa phương hiện có 46 cơ sở chế biến mực xà. Các cơ sở này bắt đầu hoạt động khoảng 5 năm qua và đều là hoạt động tự phát, gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do thời gian qua, ngư dân địa phương đánh bắt được nhiều mực xà nên phát sinh thêm các cơ sở chế biến. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc chế biến mực xà khá cao nên dù chính quyền xã đã tuyên truyền nhiều lần nhưng người dân vẫn lén lút hoạt động, bất chấp ô nhiễm môi trường. Xã đã báo cáo, phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm do đây không phải là mặt hàng cấm.
Vừa qua, các cơ quan chức năng huyện Phù Cát và xã Cát Khánh đã kiểm tra các cơ sở đang trong quá trình hoạt động sơ chế mực xà. Qua kiểm tra, đã phát hiện 15 cơ sở chế biến mực xà của 15 hộ dân đang xả nước thải, chất thải sơ chế mực xà trực tiếp ra đầm Đề Gi, với lưu lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ngày mà không qua hệ thống xử lý theo quy định, gây ô nhiễm nước đầm Đề Gi. Qua đó, UBND huyện Phù Cát đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 hộ dân này với tổng số tiền 613 triệu đồng.
Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết chính quyền địa phương đang tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến mực xà tự phát ở xã Cát Khánh thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và có biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Đối với các cơ sở tái phạm, huyện sẽ yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Bình luận (0)