Phóng viên: Thưa ông, việc quản lý giá thuốc bán lẻ đang được thực hiện như thế nào?
- Ông NGUYỄN TẤT ĐẠT: Chúng ta đã có nhiều quy định trong việc quản lý giá thuốc, đó là Luật Giá 2012, Luật Dược 2016 và các nghị định, thông tư cùng các văn bản liên quan, cũng như thông qua việc kê khai giá thuốc. Mười tháng năm 2020, về cơ bản, thị trường dược phẩm bình ổn, so với cùng kỳ năm 2019, chỉ số CPI nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,48% (thấp hơn CPI chung là 3,71%).
Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế
Hiện tại, theo Luật Giá và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, chưa có quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở bán lẻ thuốc phải kê khai giá thuốc bán lẻ. Trường hợp các cơ sở thực hiện kê khai giá bán lẻ thì sẽ không được bán với giá cao hơn. Giá thuốc bán lẻ được quản lý theo cơ chế thị trường và các cơ sở bán lẻ thuốc phải niêm yết công khai giá bán, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Hiện trên cả nước có khoảng hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc, các cơ sở này sẽ cạnh tranh nhau theo cơ chế thị trường. Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh (hay còn gọi là các nhà thuốc, quầy thuốc trong bệnh viện), tùy thuộc giá trị thuốc mua, mức thặng dư số bán lẻ tối đa được quy định là từ 2%-20% (điều 136 Nghị định 54/NĐ-CP ngày 8-5-2017 của Chính phủ).
Vậy việc công khai giá thuốc bán lẻ trên hệ thống Cổng Công khai y tế của Bộ Y tế có giúp giá thuốc trên thị trường giảm không?
- Việc Cục Quản lý dược - Bộ Y tế công khai thông tin giá bán buôn dự kiến kê khai, kê khai lại trên môi trường mạng là một công cụ hết sức hữu ích để cơ quan quản lý và người dân có thể giám sát hoạt động bán thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc, qua đó giúp giá bán lẻ thuốc được kiểm soát tốt, giúp bình ổn thị trường dược phẩm; nhờ minh bạch và cạnh tranh mạnh mẽ nên giá thuốc có xu hướng được điều chỉnh giảm để phù hợp với tình hình thực tế.
Nếu doanh nghiệp và cơ sở bán lẻ kê khai không đúng, chênh lệch so với giá bán thực tế thì xử lý thế nào?
- Nghị định 54/2017/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 đã quy định chi tiết trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý giá thuốc (trong đó có nội dung kê khai giá thuốc). Tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng đã quy định chi tiết các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc. Vì vậy, trong trường hợp có phát hiện đơn vị vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt.
Nếu phát hiện ngoài thị trường có hiện tượng tăng giá thuốc đột biến và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, hệ thống thanh tra y tế tại trung ương và địa phương (Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra sở y tế) sẽ vào cuộc thanh - kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc và xử phạt nếu mắc sai phạm.
Việc để tên hoạt chất của thuốc trên hệ thống Cổng Công khai y tế có là vấn đề khó khăn để người dân tra cứu hay không, trong khi bác sĩ thường vẫn kê tên thuốc thương mại?
- Hiện tại, thông tin giá thuốc được Bộ Y tế, Cục Quản lý dược công khai gồm đầy đủ các thông tin, bao gồm: tên thuốc, thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, cơ sở sản xuất, nước sản xuất, đơn vị kê khai, ngày kê khai, đặc biệt thông tin giá thuốc được công khai theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất để người dân và các tổ chức, cá nhân dễ tra cứu, tham khảo và so sánh.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân thắc mắc hoặc không hiểu rõ các thông tin giá thuốc công khai thì hãy phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp về Bộ Y tế, Cục Quản lý dược hoặc sở y tế các tỉnh, thành mà tổ chức, cá nhân cư trú.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-12
Bình luận (0)