Người dân ở đây là cả trăm hộ dân ở ấp 7, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Người dân cho rằng từ khi doanh nghiệp (DN) xử lý chất thải nguy hại (CTNH) trong vùng hoạt động thì cuộc sống của họ đối mặt với nhiều mối đe dọa. Còn DN xử lý CTNH là Công ty TNHH Cù Lao Xanh (Công ty Cù Lao Xanh) cho rằng họ đã và đang tuân thủ mọi quy định và hứa sẽ làm mọi cách để người dân yên tâm sinh sống.
Hứa bảo đảm tuyệt đối
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, người dân ấp 7, xã Xuân Tâm kêu cứu vì cho rằng tình trạng ô nhiễm đe dọa trực tiếp cuộc sống của họ và có thể gây hậu quả lâu dài, bắt đầu từ nửa năm nay. Cụ thể theo người dân, trước kia khu vực họ sinh sống là vùng nông thôn yên bình, không khí trong lành, nhưng từ khi khu liên hiệp xử lý rác trên núi Le đi vào hoạt động, đặc biệt là khi Công ty Cù Lao Xanh đưa vào hoạt động thử nghiệm xử lý CTNH cách đây hơn nửa năm (riêng xử lý rác sinh hoạt khoảng từ năm 2014) thì cuộc sống của họ bị đe dọa. Cơ sở này xử lý CTNH chủ yếu là kim loại chì, các bình ắc-quy phế thải.
Người dân cho hay từ trước Tết cho đến những ngày giữa tháng 3, họ hứng chịu mùi hôi lan tỏa trong vòng bán kính ba cây số. Trong khi đó, nhiều nhà dân cách khu xử lý CTNH chỉ khoảng 500 m.
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh những bức xúc của người dân, ngày 21-3 (tức 2 ngày sau báo đăng), UBND xã Xuân Tâm đã có buổi làm việc với người dân trong vùng và đại diện Công ty Cù Lao Xanh. Theo biên bản làm việc, bước đầu người dân khu vực và Công ty Cù Lao Xanh đã thống nhất được nhiều vấn đề liên quan. Biên bản làm việc ghi rõ: "Công ty Cù Lao Xanh phải xử lý triệt để mùi hôi do tái chế chì; phải cam kết không làm lan tỏa mùi hôi trong quá trình hoạt động tái chế chì nữa; nếu người dân xung quanh dự án còn nghe mùi hôi do tái chế chì, người dân sẽ vô kiểm tra bất cứ lúc nào…".
Ông Vũ Văn Chữ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cù Lao Xanh, cũng chủ động gặp phóng viên, nói rằng mọi hoạt động của công ty đúng quy định, các bước thủ tục do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phê chuẩn, thực hiện chặt chẽ.
Người dân cho rằng sau khi Công ty Cù Lao Xanh cam kết, mùi hôi đã giảm hẳn nhưng họ vẫn mong các cơ quan chức năng giám sát chặt để tránh tình trạng ô nhiễm tái diễn
Mùi hôi đã giảm
Để ghi nhận những cam kết của Công ty Cù Lao Xanh, những ngày đầu tháng 4 này, gặp lại người dân ấp 7, xã Xuân Tâm, chúng tôi được cho hay từ sau cuộc làm việc và đưa ra cam kết thì tình trạng mùi hôi đã giảm hẳn, người dân bớt cảm giác choáng, đau đầu. Thực tế ở lại "hiện trường" gần 2 ngày, chúng tôi cũng ghi nhận mùi hôi đã giảm.
Ở một diễn biến khác, tài liệu phóng viên có được thì Công ty Cù Lao Xanh được Tổng cục Môi trường chấp thuận cho vận hành thử nghiệm xử lý CTNH (trong hệ thống xử lý chất thải không nguy hại và chất thải sinh hoạt) từ cuối tháng 7-2017. Giữa tháng 11-2017 và tháng 1-2018, các lực lượng chức năng cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra. Trong đó, Phòng TN-MT huyện Xuân Lộc từng yêu cầu công ty thực hiện ngay việc thu gom, xử lý chất thải công nghiệp như rẻo nhựa, bùn thải ở khu tập kết tại khu vực rác thải tồn lưu; có biện pháp thu gom triệt để nước rỉ rác phát sinh tại khu vực ô chôn lấp chất thải sinh hoạt...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho biết thẩm quyền liên quan hoạt động của Công ty Cù Lao Xanh thuộc Bộ TN-MT. Tuy nhiên, sở cũng có trách nhiệm giám sát. "Vừa qua nhiều người dân lo lắng phản ứng, sở, phòng cũng đã quan tâm kiểm tra và có các nhận định ban đầu, tuy nhiên kết quả kiểm tra với các thông số cụ thể và các điều hướng, chấn chỉnh khác nếu có thì phải chờ từ bộ. Sắp tới, đoàn kiểm tra của cục, bộ sẽ tiếp tục vào làm việc. Đối với ý kiến lo lắng của dân như vậy thì phải quan tâm ngay, bảo đảm cho dân; riêng về quy chuẩn trong việc xử lý CTNH thì phải làm đúng quy định…" - ông Đức nói.
Phải giám sát gắt gao
Theo nhận định của một số chuyên gia, đối với các cơ sở sản xuất, tái chế liên quan đến chì dù đạt quy chuẩn nhưng vẫn phải thường xuyên giám sát gắt gao, với các lớp cách ly phải được thực hiện hết sức chặt chẽ. Bởi nước thải từ quá trình tái chế và xử lý chì cực kỳ nguy hại với môi trường.
Bình luận (0)