Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội, một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... trên địa bàn thành phố chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Kết quả giám sát cũng nêu một số công viên ở Hà Nội hiện bỏ hoang, xuống cấp, cá biệt có công viên không cho người dân vào như Công viên Thiên văn học ở Hà Đông.
Liên quan đến các công viên trên địa bàn thành phố, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết Công viên Thiên văn học do Tập đoàn Nam Cường đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Dương Nội.
Theo ông Tuấn, Sở Xây dựng, quận Hà Đông và các sở, ngành liên quan đã xử lý về trật tự xây dựng của công trình này. Bản thân ông đã tham gia ít nhất 2 cuộc họp về vấn đề này. "Tại sao có 1 công viên hoàn thành xong lại không đưa vào khai thác, trẻ em phải tìm lỗ hổng chui vào. Vì công viên này đầu tư hoàn toàn sai quy hoạch chi tiết 1/500" - ông Tuấn khẳng định.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, rút kinh nghiệm từ trường hợp xử lý Công viên nước Thanh Hà ở Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, UBND TP đã giao đơn vị chức năng kiểm tra về thực tế, đối chiếu với quy hoạch 1/500 xem phù hợp không, nếu thấy phù hợp thì đưa vào sử dụng. "Cả hạ tầng kỹ thuật lớn như vậy nhưng vi phạm trật tự quy hoạch, trật tự đất đai nên phải xử lý rất là công phu. Hy vọng quá trình xử lý sẽ nhanh, chúng tôi sẽ sớm củng cố vấn đề pháp lý và đưa công viên này vào vận hành" - ông Tuấn nói.
Toàn cảnh dự án Công viên Thiên văn học. Ảnh: Chủ đầu tư
Liên quan đến các công viên trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố đã lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn làm Trưởng ban, quyết tâm "trong năm 2023 làm sống lại các công viên của Hà Nội và người dân được hưởng lợi công bằng và tự do về nguyên tắc tiếp cận các phúc lợi đó".
"Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, chúng tôi sẽ mở ra một số mô hình, phương thức mới về đầu tư công viên, cây xanh. Có thể đầu tư tư nhân nhưng mà nhân dân hưởng lợi chứ không phải bán vé hay đủ thứ gây cản trở như hàng rào làm người dân không được hưởng lợi" - ông Trần Sỹ Thanh nói.
TP Hà Nội hiện có 4 công viên do thành phố quản lý gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình.
Từ cuối năm 2021, Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư cải tạo các công viên này nhưng báo cáo mới đây của Sở Xây dựng cho thấy việc cải tạo gặp còn nhiều khó khăn.
Khoảng 40 công viên vườn hoa do cấp quận, huyện quản lý cũng sẽ được cải tạo trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các công viên như: Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ, Indira Gandhi, Nguyễn Trãi.
Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng mới 9 công viên nhưng đến nay đều đang chậm tiến độ: Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội; công viên CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm; công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì; công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy ở Đông Anh; công viên hồ Phùng Khoang thuộc quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân; công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông...
Bình luận (0)