Theo quy định hiện hành, các số liệu nói trên lần lượt là 7 giờ 30 phút, 17 giờ và 120 phút. Trên thế giới, công chức - viên chức - người lao động (CC-VC-NLĐ) làm 8 giờ/ngày và nghỉ trưa 60 phút là phổ biến. Ở Việt Nam, đây là đề xuất lần thứ hai và lần này tiếp tục vấp phải ý kiến trái chiều.
Điều đó cho thấy nó chưa phù hợp với nước ta. Khi nào chưa được đa số người dân đồng thuận, lúc đó đề xuất chưa đủ độ chín để đưa vào thực tiễn.
Thử nêu ra một vài phản biện sẽ thấy những điều chỉnh theo đề xuất sửa đổi Bộ Luật Lao động là chưa vững. Chẳng hạn, đặc thù của tổ chức gia đình ở các thành phố lớn tại Việt Nam là cha mẹ đưa đón con đi học. Trống vào lớp điểm lúc 7 giờ, thậm chí sớm hơn, nên cha mẹ phải đưa con đi trước đó. Từ lúc con vào lớp đến khi cha mẹ vào công sở trống 1 giờ 30 phút, vậy thì quá phí và bất tiện. Hay như nghỉ trưa 60 phút, không phải ai cũng có điều kiện ở lại nơi làm việc ăn uống, nghỉ ngơi mà phải quay về nhà nấu ăn, dùng bữa; chừng ấy thời gian không thể nào làm kịp. Đó là chưa nói đến đặc điểm khí hậu, thời tiết các vùng rất khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến đồng hồ sinh học và hiệu quả làm việc của con người.
Cái mới chưa hẳn hay nhưng chắc chắn làm xáo trộn cuộc sống của hàng chục triệu hộ gia đình. Những gì diễn ra trong thực tế hiện đã khác với quy định chung rồi, đó là nhiều nơi có giờ nghỉ trưa "linh hoạt" trong khi vẫn bảo đảm hiệu quả công việc.
Nói thật, dẫu có thay đổi hay giữ nguyên quy định về giờ làm, giờ nghỉ trưa thì cũng chỉ là "phần ngọn" của vấn đề tổ chức lao động. Phần gốc, mang tính cốt lõi đó là kỷ luật, kỷ cương lao động và cơ chế theo dõi, giám sát, chế tài. Ở đâu cũng có quy định rõ ràng về giờ làm, giờ nghỉ… nhưng tình trạng ăn cắp giờ công ở các cơ quan hành chính nhà nước khá phổ biến. Đi làm đúng giờ nhưng làm việc riêng, tán gẫu, lướt web, thậm chí đi mua sắm… trong giờ hành chính mà vẫn tới kỳ vẫn hưởng đủ lương, vẫn không bị kỷ luật thì "đúng giờ" có ích gì! Người viết bài này từng đích thân đi thực tế tại các cơ quan nhà nước vào nhiều buổi chiều thứ sáu hằng tuần, nhất là ở các tỉnh, chỉ tầm 16 giờ là công sở vắng tanh, trong khi các quán xá gần đó thì CC-VC-NLĐ ngồi kín…
Siết kỷ luật, kỷ cương lao động là một trong những giải pháp tăng năng suất lao động. Cho đến nay, Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm có năng suất lao động thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Năng suất lao động thấp là lực cản rất lớn ngáng đường hội nhập và phát triển. Vì thế, đây mới là vấn đề cốt tử của người lao động Việt Nam, cần được quan tâm đầu tư, cải thiện, cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động đổi mới - sáng tạo.
Hôm nay (5-5), ở TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao; hy vọng vấn đề năng suất lao động sẽ được nêu ra và thảo luận sâu sắc.
Bình luận (0)