Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, tính từ năm 2017 đến hết tháng 6-2019, trên địa bàn TP có đến 6.825 công trình vi phạm, trong đó 2.573 trường hợp xây dựng không phép không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, chủ yếu là vi phạm xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng; 4.252 trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép hoặc công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
"Vòi bạch tuộc" nhà không phép
Tuy nhiên, thống kê cho thấy năm 2017 bình quân có 7,8 vụ vi phạm trật tự xây dựng/ngày, năm 2018 giảm còn 6,6 vụ/ngày nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này đã tăng lên 8,5 vụ/ngày. Các trường hợp vi phạm tập trung nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như các quận 2, 12, Bình Tân, Thủ Đức; huyện Củ Chi, Bình Chánh. Các hành vi vi phạm phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được cấp phép xây dựng, người dân tự ý phân lô bán nền nhằm xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, dẫn tới phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có hạ tầng đồng bộ, không dịch vụ, tiện ích, gây mất an ninh, trật tự.
Khu đất nông nghiệp đường Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM được đầu nậu phân lô trái phép, đã bị lực lượng chức năng ngăn chặn . Ảnh: LÊ PHONG
Tính riêng tại quận Thủ Đức, 9 tháng đầu năm 2019 có 168 trường hợp vi phạm xây dựng không phép, tăng 139 trường hợp so với 9 tháng đầu năm 2018. Xây dựng sai phép là 98 trường hợp, tăng 55 trường hợp. Riêng phường Hiệp Bình Chánh, trong 9 tháng đầu năm 2019 số công trình vi phạm xây dựng không phép là 82 trường hợp, tăng 69 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Số công trình xây dựng không phép chủ yếu trên đất nông nghiệp, trên đất quy hoạch chưa triển khai hoặc trên đất công. Địa bàn tập trung ở các phường Linh Xuân, Linh Trung, Linh Đông, Tam Phú, Bình Chiểu, Trường Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước.
Tại huyện Bình Chánh, từ trước đến nay, địa phương này luôn là điểm nóng về xây dựng, đất đai, qua các thời kỳ lãnh đạo, huyện đều ban hành nghị quyết liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Chỉ tính riêng các quyết định xử lý của Thanh tra Sở Xây dựng TP, trên địa bàn huyện Bình Chánh trong năm 2016 có 67% vụ việc chưa thực hiện được, năm 2017 và 2018 còn 58% số vụ nhưng đến 2019 tăng tới 80% vụ việc chưa xử lý được. Ngay cả quyết định xử phạt xử lý của UBND TP cũng chưa thực hiện được nhiều. Bản thân UBND huyện Bình Chánh đã ban hành nhiều quyết định xử lý hằng năm, thường tập trung phạt tiền nhưng việc khắc phục sai phạm, khôi phục hiện trạng ban đầu thì lại khó khăn do công trình đã xây dựng tới 80%. Chỉ riêng 4 xã: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Bình Hưng đã chiếm tới 70% tổng số vụ vi phạm trên địa bàn huyện, trong khi tinh thần xử lý trách nhiệm của cán bộ chưa cao, công tác xử lý ngay từ đầu còn hạn chế. Nổi cộm nhất là khu ẩm thực Bình Xuyên (xã Bình Hưng), diện tích 24.977,1 m2, người sử dụng đất chưa được giao đất để thực hiện đầu tư nhưng đã tự ý chuyển mục đích sử dụng thành đất thương mại, tiến hành xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Hay dự án khu dân cư, trung tâm thương mại tại xã Tân Nhựt do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã ký hợp đồng bán các nền đất ở (thực chất là phân lô bán nền đất nông nghiệp), triển khai xây dựng trên phần diện tích đất nông nghiệp 187 căn nhà ở riêng lẻ. Với quy mô 3 tầng, 225 căn hộ chung cư (trên phần diện tích 35 nền đất nông nghiệp)…
Rác và ô nhiễm
Anh Nguyễn Văn Minh (ngụ đường Phan Anh, quận Tân Phú, TP HCM) bắt đầu câu chuyện bằng dòng hồi tưởng đầy ám ảnh về quãng thời gian sống chung với ô nhiễm. "Hai năm trước, đoạn rạch sau nhà tôi từng là địa điểm người ta tìm đến bỏ đủ loại rác thải khiến dòng chảy bị chặn đứng, bốc mùi hôi thối, kéo theo ruồi, muỗi. Mỗi lần mưa xuống, nước bẩn lại tràn ngược vào nhà làm hư hỏng đồ đạc và "đem" theo đủ loại rác. Sợ nhất là nguy cơ chập mạch điện vì có lúc nước dâng lên tới đầu gối" - anh Minh kể.
Còn tại kênh Tham Lương - Bến Cát chảy qua địa bàn các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, quận 12, hàng chục năm qua báo chí phản ánh nhiều do ô nhiễm trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân sống dọc con kênh. Đến bây giờ, nhắc đến kênh Tham Lương - Bến Cát, những người từng sống 2 bên bờ kênh lắc đầu ngao ngán vì nước kênh ở đây lúc nào cũng đen kịt, bốc mùi hôi thối. Tình trạng này là do các công ty, cơ sở sản xuất… trực tiếp xả một lượng lớn nước thải xuống dòng kênh. Bên cạnh đó là các loại rác sinh hoạt mà người dân hằng ngày vứt xuống dòng kênh này.
Không riêng hộ dân sống ven kênh rạch rơi vào cảnh sống chung với rác. Trước năm 2018, bãi đất bỏ hoang khá rộng ở khu phố 7, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú là điểm ô nhiễm gây bức xúc cho người dân khi bị tận dụng làm nơi đổ rác, phế phẩm độc hại. Mùa nắng, người đi đường dễ bị choáng váng vì mùi xú uế xộc vào mũi. Mùa mưa, rác bị dòng nước cuốn vào cống, rãnh gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Những bãi rác tự phát còn là mối ẩn họa về tệ nạn xã hội. Theo ông Đặng Công Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Gò Vấp - dọc bờ sông Vàm Thuật đoạn chảy qua khu phố 7, phường 15, nhiều khu đất trống bị biến thành bãi rác và trở thành "bãi đáp" của tệ nạn xã hội. Các đối tượng tìm đến đánh bài, buôn bán, chích ma túy…
Lực lượng mỏng, thiếu quyết liệt
Nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về trật tự xây dựng có thể thấy là tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, địa bàn rộng, lực lượng công chức địa chính tại một số xã, phường còn mỏng phải kiêm nhiệm tham mưu nhiều mảng địa chính, xây dựng, nông nghiệp, môi trường, hạ tầng, kinh tế… Một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân đã sử dụng sai mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và thực hiện mua bán dưới hình thức vi bằng dẫn đến tình hình vi phạm đất đai, xây dựng diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, chưa có quy định chế tài không cho cung cấp điện, nước đối với các công trình xây dựng trái phép để phối hợp ngăn chặn ngay từ đầu; sự bất cập từ thực tiễn áp dụng quy định xử phạt hành chính về cưỡng chế thu tiền phạt, thu hồi kinh phí cưỡng chế; chủ sử dụng đất, chủ đầu tư cố tình né tránh, lánh mặt ngay tại thời điểm kiểm tra, đất được mua bán, chuyển nhượng giấy tay qua nhiều người...
Bên cạnh đó, một số cán bộ công chức, đơn vị không kiên quyết xử lý ngay từ đầu các hành vi vi phạm sử dụng sai mục đích (từ lúc đổ đất đá, tập kết vật liệu để làm móng, xây dựng hàng rào); lãnh đạo một số phường, xã chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức thuộc thẩm quyền quản lý; chưa kiên quyết xử lý nghiêm. Công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, đơn vị khác theo quy chế phối hợp chưa đạt kết quả cao…
Rác thải luôn là đề tài nóng ở TP HCM, trong nhiều kỳ họp HĐND TP cũng bàn về vấn đề này, nhiều giải pháp về tuyên truyền, xử phạt đã được áp dụng nhưng kết quả chưa được như mong muốn, rác vẫn được xả khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường, tắc dòng chảy…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, đường phố của một bộ phận cư dân quá kém; lực lượng kiểm tra và xử lý không kiểm soát được hết và thực thi quy định pháp luật chưa triệt để; chính quyền địa phương chưa quyết liệt vào cuộc…
Kỳ tới: "Trị" xả rác, xây không phép
Hai chỉ thị quan trọng
Trước tình trạng một bộ phận người dân vẫn vứt rác ra đường hay xuống hệ thống kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, ngày 19-10-2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã ban hành Chỉ thị 19-CT/TU về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước".
Tiếp đó, ngày 25-7-2019, Thành ủy TP HCM ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Hai chủ trương hợp lòng dân đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, góp phần thay đổi diện mạo của TP HCM.
Bình luận (0)