Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt mục tiêu từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng (NH) hoặc các tổ chức được phép khác; đưa thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân.
Từ eKYC đến Mobile Money...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) cho 2 nhà mạng MobiFone và VinaPhone. Đây được đánh giá là bước đi tiếp theo góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết sẽ hướng dẫn khách hàng đủ điều kiện đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, các thuê bao VinaPhone chỉ cần đăng ký dịch vụ là có thể nạp, rút tiền, thanh toán tiêu dùng nhỏ lẻ, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua mã QR và chuyển tiền bằng tài khoản Mobile Money mà không cần đến tài khoản NH.
Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cũng vừa được chấp thuận triển khai thí điểm Mobile Money. Trong giai đoạn đầu, MobiFone cho biết sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc. Sau đó sẽ mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch thông qua các đối tác, đại lý.
Tiền trong tài khoản Mobile Money được NHNN bảo đảm bằng các quy định như tài khoản NH. Theo đại diện VNPT, kỳ vọng của Mobile Money là rất lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn nhưng các phương tiện thanh toán thuận tiện lại chỉ tập trung ở vùng đô thị.
Đại diện MobiFone cho biết với việc được chấp thuận cho phép thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money, các doanh nghiệp viễn thông sẽ song hành cùng doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực NH, tài chính cùng thúc đẩy sự phát triển của xu hướng thanh toán không tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cũng đánh giá việc triển khai thí điểm Mobile Money sẽ góp phần tạo thêm một bước cho quá trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. "Nếu 3 năm trước, rất nhiều NH thương mại nói đến câu chuyện về mở và sử dụng tài khoản thanh toán định danh điện tử (eKYC), thì nay đã có quy định. Và eKYC được xem là "chìa khóa vàng" thúc đẩy chuyển đổi số NH, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể mở tài khoản thanh toán ở bất cứ đâu. Như số liệu cho thấy chỉ trong khoảng từ tháng 3-2021 đến nay đã có gần 2 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức này" - ông Dũng nói.
Thanh toán qua ứng dụng kỹ thuật số ngày càng phổ biến ở Việt NamẢnh: HOÀNG TRIỀU
Chuộng thanh toán online vì tiện lợi
Một diễn biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, theo các chuyên gia, là đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số NH và người dân cũng chuộng thanh toán online hơn.
Bà Đặng Tuyến Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, dẫn khảo sát của Visa về thói quen và thái độ của người tiêu dùng trong thanh toán cho thấy tại Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt đã giảm đáng kể trong bối cảnh dịch Covid-19. Khoảng 65% người được khảo sát nói rằng giảm tiền mặt trong ví để chuyển sang thanh toán thẻ, ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và 78% người cho biết sẽ tiếp tục sử dụng kể cả khi đại dịch kết thúc.
Đáng chú ý, trong dịch Covid-19, nhiều người lần đầu tiên sử dụng ví điện tử, quét mã QR hoặc thanh toán trực tuyến khi mua hàng. Các lợi ích chính của thanh toán không dùng tiền mặt gồm giảm nguy cơ trộm cắp, ít rắc rối hơn và ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh.
Như tại hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết đã có thay đổi mạnh mẽ trong thói quen, thanh toán của người tiêu dùng suốt thời gian qua. Chẳng hạn, từ tỉ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của hệ thống siêu thị này nhưng con số đã tăng vọt lên 40% trong dịch, một vài thời điểm lên đến 50%. Đây là con số mục tiêu mà Saigon Co.op dự kiến mất 3-4 năm nữa mới đạt được. "Có điều khi dịch Covid-19 đi qua thì tỉ lệ này nhanh chóng rớt về mức bình quân 10%. Sự thay đổi cho thấy thách thức để thói quen thanh toán không tiền mặt còn rất nhiều và cũng phản ánh tiền mặt trong dân còn rất lớn" - ông Đức nêu.
Theo NHNN, đến nay, với ứng dụng Mobile banking, ví điện tử trên điện thoại di động và việc tạo lập, mở rộng hệ sinh thái số của các NH, trung gian thanh toán, người dân không chỉ đơn thuần thực hiện chuyển tiền, mà hàng loạt dịch vụ khác đều qua kênh không tiền mặt từ trả hóa đơn tiện ích, thanh toán học phí, viện phí, thương mại điện tử, đi chợ, gọi xe giao hàng, đặt mua vé máy bay, du lịch…
Tăng nhanh nhất trong khu vực
Theo khảo sát gần đây của hãng tư vấn McKinsey, người dùng Việt Nam được đánh giá có mức độ chấp nhận NH số, thanh toán số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, và đạt 82% trong năm nay.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hằng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều NH đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:
Bảo đảm an ninh, an toàn
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động NH; tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ... Trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực NH (Fintech Sandbox).
NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bảo đảm đúng quy định của pháp luật, thông suốt, an toàn.
Ông Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM:
Duy trì lòng tin của người dùng với ngân hàng số
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, so với thế giới, NH số tại Việt Nam đã có nhiều tính năng tương đương nhưng vẫn chưa đa dạng phương thức mở tài khoản (ID, chữ ký số, quay video...); chưa cung cấp đa dạng các dịch vụ tín dụng trên nền tảng số; chưa đầu tư cao vào bảo mật và các dịch vụ quản lý tài chính cá nhân.
Người dùng vẫn chưa hoàn toàn yên tâm giao dịch với NH qua mạng xã hội và lo ngại về các vấn đề về bảo mật thông tin. Nhiều khách hàng cho biết sẵn sàng trả thêm những khoản chi phí để bảo vệ dữ liệu bảo đảm an toàn cho tài khoản. Vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số toàn bộ, gia tăng trải nghiệm vẫn là yếu tố quan trọng. Các quy định bảo vệ người dùng cũng là yếu tố quan trọng để duy trì lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm dịch vụ của NH số.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS):
Thanh toán xuyên biên giới
Từ tháng 6 năm nay, NAPAS cùng với các NH thành viên đã thống nhất sử dụng tiêu chuẩn thanh toán sử dụng mã QR, một trong những giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến nay, đã có 27 NH tham gia triển khai mã thanh toán VietQR áp dụng đối với các giao dịch chuyển tiền, thanh toán nhỏ lẻ, thanh toán xuyên biên giới được tích hợp trên nền tảng Mobile banking sẵn có của các NH. Người dùng dễ dàng quét mã VietQR để chuyển khoản giữa cá nhân, thanh toán khoản nhỏ, lẻ tại điểm bán.
Trong tương lai, các NH, trung gian thanh toán có thể chỉ cần triển khai tích hợp mã VietQR là có thể sử dụng để thanh toán, chuyển tiền trong nội địa và thanh toán xuyên biên giới thay vì phải làm quen, sử dụng nhiều mã QR của các đơn vị như hiện tại.
Bình luận (0)