Ngày 16-3, ngày đầu thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại các địa phương trong cả nước, người dân thể hiện ý thức cao trong việc đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại nhiều khu vực công cộng ở TP Hà Nội như Bến xe Mỹ Đình, ga Hà Nội hay trên các chuyến xe buýt, trên đường phố... đa phần người dân đều đeo khẩu trang. Nhiều người dân cho biết việc đeo khẩu trang như một thói quen của họ từ lâu.
Tại TP HCM, sáng 16-3, khá đông người dân đến Sở Xây dựng TP HCM để làm thủ tục. Tại đây, mọi người được yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn. Đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết yêu cầu này đã diễn ra từ sau Tết nguyên đán nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nếu người dân đến cơ quan làm thủ tục quên đeo khẩu trang cũng được đơn vị hỗ trợ miễn phí. "Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc từ ngày 16-3 phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng cho thấy trong ngày đầu tiên ý thức chấp hành gần như tuyệt đối" - đại diện Sở Xây dựng TP nói.
Du khách nước ngoài đeo khẩu trang trước khi vào tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP HCM Ảnh: THU HỒNG
Tại các điểm tham quan ở trung tâm TP HCM, trong đó có Hội trường Thống Nhất, hầu hết khách tham quan đều đeo khẩu trang trước khi vào cổng. "Lúc đầu nhiều du khách tỏ vẻ không hài lòng nhưng sau khi được giải thích nhằm chung tay phòng chống dịch Covid -19 nên họ hợp tác" - anh Nguyễn Tiến Hùng, hướng dẫn viên du lịch, nói.
Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP HCM (quận 3), chúng tôi ghi nhận 100% khách vào cổng tham quan đều được nhân viên bảo vệ đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang. Đại diện bảo tàng nói đơn vị này chủ động đo thân nhiệt và khuyến khích khách tham quan đeo khẩu trang. Nếu khách không đeo theo khẩu trang, bảo tàng sẽ phát khẩu trang miễn phí cho khách.
Còn tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong thời điểm tỉnh này cách ly, áp dụng biện pháp theo dõi đặc biệt đối với 7 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 34 ở Bình Thuận, các khu công cộng ít người lui tới hơn và tất cả mọi người đều đeo khẩu trang.
Trưa 16-3, tại siêu thị Co.opmart xa lộ Hà Nội (quận 9, TP HCM), hàng trăm người dân đến mua sản phẩm như: mì tôm, nước rửa tay, bánh kẹo… đều trang bị khẩu trang, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài. Ở khu vực trung tâm quận 1, nhiều du khách nước ngoài bắt đầu tuân thủ quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
Tại TP Đà Nẵng, cùng với việc lập 7 chốt chặn kiểm tra y tế đo thân nhiệt với tất cả khách ra vào cửa ngõ TP, ngành chức năng Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị một số lượng lớn khẩu trang y tế để có thể phát cho những du khách chưa có, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Tại các siêu thị lớn ở TP Đà Nẵng, lượng người đi lại, mua sắm trong ngày 16-3 rất ít nhưng đa phần đều đeo khẩu trang khi ra vào, mua sắm. Còn ở ga Đà Nẵng, nhờ được khuyến cáo từ trước, hầu hết hành khách trong và ngoài nước đều chấp hành nghiêm túc việc đeo khẩu trang.
Ông John (75 tuổi, du khách đến từ Iceland) cho hay ông đã đến Việt Nam du lịch được khoảng 4 tuần và đi nhiều nơi, trong đó có Đà Nẵng. "Chúng tôi không có thói quen đeo khẩu trang nhưng khi đến Đà Nẵng được nhắc nhở và được phát khẩu trang miễn phí nên chúng tôi vui vẻ chấp hành. Việc đeo khẩu trang ngoài bảo vệ cho chính bản thân chúng tôi còn bảo vệ cho cộng đồng" - ông John nói. Vị khách này còn nhận xét Việt Nam đã làm rất tốt trong công tác phòng ngừa dịch bệnh khi có sự chung tay của toàn xã hội, người dân có ý thức phòng bệnh rất cao.
Chỉ cần đeo khẩu trang vải
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - khuyến cáo người dân chỉ cần sử dụng khẩu trang vải nơi công cộng và các địa điểm đông người, không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế. Khẩu trang y tế chỉ nên dùng cho đối tượng mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh, người làm công tác y tế, phòng chống dịch... Đặc biệt, khi đến nơi công cộng và địa điểm đông người nên giữ khoảng cách giao tiếp là 2 m. "Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các giọt bắn nước bọt có thể văng xa tối đa là 2 m. Do đó, nếu muốn bảo vệ bản thân trước bệnh dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo nên giữ khoảng cách an toàn với người có biểu hiện ho, hắt hơi, sốt nghi nhiễm virus SARS-CoV-2" - ông Trần Đắc Phu nói.
Bình luận (0)