Sau vài cuộc hẹn, tôi mới gặp được một trong những người đã cho tôi một cảm nhận sâu sắc về hình ảnh của những kỹ thuật viên xét nghiệm đã nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó là Đỗ Kiều Trang, một trong những kỹ thuật viên xét nghiệm trẻ tuổi tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai (CDC Lào Cai).
Đỗ Kiều Trang (bìa phải) cùng đồng nghiệp trong phòng xét nghiệm
Dù khó vẫn quyết tâm học hỏi
Tôi gặp Kiều Trang khi cô vừa từ phòng xét nghiệm ra. Trước mặt tôi là cô gái nhỏ nhắn, đôi mắt thâm quầng nhưng nụ cười thật ấm áp, như chưa hề vừa bước ra từ phòng xét nghiệm Covid-19 với vô vàn áp lực trong suốt nhiều giờ.
Hơn chục năm trước, cô sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương này không thể ngờ ngành mình theo học sau này lại có lúc đắc dụng như thế trong bối cảnh từ đầu tháng 1-2020 trở lại đây - khi cả thế giới quay cuồng trong cơn bão mang tên Covid-19 mà Việt Nam không ngoại lệ.
Tốt nghiệp Khoa Xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2012, Kiều Trang về học việc tại Trung tâm Y học dự phòng tỉnh Lào Cai (sau này sáp nhập với một số trung tâm khác đổi tên thành CDC Lào Cai). Tháng 9-2014, Kiều Trang mới chính thức có biên chế tại trung tâm. Ở vị trí mới nhưng công việc đã thực hiện suốt 2 năm trước đó buộc Kiều Trang càng phải cố gắng hết mức để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.
Dạo đó, công việc của Kiều Trang và các đồng nghiệp là xét nghiệm vi sinh, thực phẩm, xét nghiệm dịch vụ ở cơ quan khám sức khỏe… Công việc chưa có nhiều vất vả và cũng chưa nhiều áp lực lớn.
Cuối tháng 1-2020, trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được xác nhận tại TP HCM đã tạo nên mối lo và mức độ cảnh giác phòng chống đại dịch ngày càng cao độ. Một yêu cầu đưa ra cho các phòng xét nghiệm của các CDC cấp tỉnh là cần nâng cấp về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn cho cán bộ, kỹ thuật viên xét nghiệm y tế. Trang được cử đi tập huấn tại Viện Pasteur TP HCM.
Trong lớp tập huấn bấy giờ cũng có những lời bàn luận từ những đồng nghiệp khi thấy nội dung tập huấn khó. Nhưng với Kiều Trang, kiến thức khó không ngăn được quyết tâm học hỏi, chăm chú đến từng chi tiết thực nghiệm và kiến thức từ thầy cô.
Chuyến đi tập huấn đó đã trang bị cho Kiều Trang rất nhiều kiến thức về xét nghiệm cũng như phong cách làm việc, để rồi sau đó cô áp dụng vào quá trình tập huấn tại nơi mình công tác.
Quên cả mệt mỏi
Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của CDC Lào Cai có 24 người nhưng trực tiếp xét nghiệm Covid-19 chỉ có một ê-kíp cứng gồm 3 người, nay có thêm 3 ê-kíp hỗ trợ. Chỉ một người nghỉ thì công việc dồn lại vì số lượng mẫu cần xét nghiệm lúc nào cũng ngồn ngộn nên ai cũng phải gồng mình cố gắng để làm nhanh nhất, chính xác nhất.
Quy trình xét nghiệm Covid-19 gồm nhiều bước, từ khâu lấy mẫu, tách chiết mẫu, chạy máy… Khâu nào cũng quan trọng nhưng vất vả nhất là khâu tách chiết, vì phải thực hiện trực tiếp bằng tay và chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể làm hỏng kết quả xét nghiệm.
Dịch bùng phát càng mạnh, áp lực công việc càng tăng, vì lượng mẫu phải xét nghiệm ngày càng nhiều. Nhiều hôm cao điểm, cả khoa phải làm đến hàng ngàn mẫu. Các kỹ thuật viên phải thức trắng đêm làm việc. Đặc biệt, sau rằm tháng giêng Nhâm Dần, mẫu xét nghiệm ùn ùn gửi đến. Khi kết quả ra rất nhiều ca dương tính, mọi người lặng đi trong một cảm nhận buồn bã, bất an. Cũng có những "mẻ" đều cho kết quả âm tính, cả ê-kíp lại thở phào vì đã loại trừ được nhiều mối nguy cơ lây nhiễm.
Nghe Kiều Trang nói về công việc và nỗi buồn khi có mẫu dương tính cùng niềm vui khi có mẫu âm tính, tôi mường tượng cô gái nhỏ nhắn trước mặt tôi và những kỹ thuật viên xét nghiệm của CDC Lào Cai đã có sự gồng mình thật đáng nể. Công việc choán hết cả thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Những người ở Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng này đã phải phân công nhau trực chiến suốt 24/24 giờ, luôn ý thức rằng việc thực hiện xét nghiệm vừa là nhiệm vụ chuyên môn, vừa là trách nhiệm với cộng đồng. Vì có kết quả xét nghiệm mới quyết định được các vấn đề tiếp theo, nếu lỡ bất cẩn thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Có những buổi, các kỹ thuật viên làm việc suốt đêm rồi làm hết cả ngày hôm sau. Đến bữa, ngồi trước hộp cơm mà không ăn nổi. Công việc khiến Kiều Trang và đồng nghiệp rất khó làm chủ thời gian, vì phải phụ thuộc vào mẫu xét nghiệm do các huyện gửi tới. Hầu hết các huyện vùng cao ở Lào Cai đều là địa bàn xa xôi, có nơi xa gần trăm cây số như Si Ma Cai, nên khi mang mẫu ra tỉnh thường vào ban đêm. Cả nhóm lại động viên nhau lao vào việc với sự tập trung cao độ, quên cả mệt mỏi cùng cái bụng đang réo rắt kêu đói và giấc ngủ đã bị "lệch múi giờ" để có kết quả nhanh nhất.
Giây phút tranh thủ hiếm hoi của Đỗ Kiều Trang với con trai giữa 2 ca trực
Mọi người chỉ tranh thủ rời phòng xét nghiệm lúc 9 giờ sáng hằng ngày để về nhà nghỉ ngơi. Nhưng nào có ngủ được mà chỉ lơ mơ. Chỉ nghe tiếng nói của con là lại tỉnh như sáo, để rồi vài giờ sau lại bắt đầu quy trình làm việc. Vất vả thế nhưng Kiều Trang và đồng nghiệp của cô khi được hỏi đều có chung câu trả lời rằng qua cuộc chiến với đại dịch, càng thêm yêu nghề y hơn.
Nói về con cái, khuôn mặt Kiều Trang vui rạng rỡ. Cậu con trai mới hơn 3 tuổi của Trang ngoan lắm, biết hiểu và thông cảm cho công việc của mẹ nên cu cậu rất quấn quýt với ông bà nội, để mẹ yên tâm làm tốt công tác chuyên môn.
Cha mẹ chồng Kiều Trang kể họ không hiểu rõ chuyên môn của con dâu, chỉ biết từ kết quả công việc của con dâu và các đồng nghiệp thì những phòng ban chuyên môn khác mới tiếp tục quy trình báo cáo Bộ Y tế cấp mã số cho bệnh nhân (nếu bệnh nhân dương tính), để đi đến khâu quan trọng nhất là điều trị chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Đó hẳn phải là công việc quan trọng, chính xác tuyệt đối và không được phép lơ là, chủ quan, vì mỗi mẫu xét nghiệm gửi đến không thể để quá 24 giờ.
Có lần, về nhà lúc nửa đêm, ngắm hai bà cháu ôm nhau ngủ, lòng Kiều Trang dào dạt xúc động và tràn đầy niềm kính phục, tình yêu thương và lòng biết ơn đối với bố mẹ chồng đã luôn coi cô như con đẻ. Chồng của Trang cũng tạo mọi điều kiện cho vợ yên tâm công tác.
Bằng khen của Bộ Y tế tặng Đỗ Kiều Trang trong công tác chống phòng chống dịch Covid-19 năm 2021
Vượt qua vất vả, rủi ro
Câu chuyện giữa tôi và Kiều Trang liên tục đứt đoạn bởi những cuộc gọi đến. Nghe loáng thoáng qua những sự trao đổi ấy, tôi biết thêm những thuật ngữ lạ lẫm. Nào là phòng bẩn, nào là môi trường áp lực âm… Đem những điều đó hỏi Trang, cô giải thích tường tận cho tôi, giúp tôi hiểu thêm công việc thầm lặng của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên xét nghiệm.
Môi trường làm việc của họ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, vì đây là nơi trực tiếp tiếp nhận và xử lý các mẫu xét nghiệm, chỉ cần lơ là một chút có thể nhiễm bệnh và gây rò rỉ, phát tán các loại virus độc hại ra môi trường bên ngoài. Chính vậy, để bảo đảm an toàn, các kỹ thuật viên lúc nào cũng phải mặc đồ bảo hộ khá nặng, kín từ đầu đến chân, nhiều khi những nhu cầu tối thiểu nhất cũng phải hạn chế, không khác gì những người thầy thuốc đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Vất vả, rủi ro là vậy nhưng không hề làm cản trở đến chất lượng và hiệu quả công việc của những "chiến sĩ mang áo bảo hộ" trong phòng xét nghiệm Covid-19 của CDC Lào Cai. Họ ngày đêm cần mẫn với công việc thầm lặng mà quan trọng nhất trong việc tìm ra virus gây bệnh. Thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ đối với ngành y "Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ y tế và xây dựng nền y học của Việt Nam trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng".
Và tôi hiểu, đằng sau tấm bằng khen của Bộ Y tế trao tặng cho Kiều Trang cuối năm 2021 là những giọt mồ hôi, nước mắt, là sự hy sinh thầm lặng của cô và đồng nghiệp.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)