Tên chị là Nguyễn Hồng Hà. Đan Hà là bút danh của chị: Dòng sông đỏ.
Tôi đến thăm nhà báo Đan Hà khi chị vừa trở về sau chuyến đi thực tế các đồn biên phòng phía Nam nhân kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống bộ đội biên phòng. Những chuyến đi vất vả, khắc nghiệt vì thời tiết lẫn nỗi cô đơn khi một mình ngồi trước tay lái trên những cung đường vắng vẻ, đối với Đan Hà không phải là chuyện hiếm.
Người chiến binh quả cảm trong tâm dịch
Kể cả khi công việc chính là tổ chức bài vở, chỉ đạo, thực hiện nội dung, đề tài… thì đi và viết vẫn là niềm đam mê của chị. Tác phẩm của chị vì thế luôn ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, chân thực và lay động trái tim người đọc.
Là người thích làm công tác xã hội, đã từng thường xuyên đồng hành với các chương trình thiện nguyện, Đan Hà không thể ngồi yên khi dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài việc đóng góp cho quỹ vắc-xin COVID-19 của Chính phủ, chị còn nảy ra ý tưởng làm cầu nối, kết hợp 3 đơn vị: Nơi chị đang làm việc là Văn phòng phía Nam Báo Công Lý cùng với Cục Chính trị Quân khu 7 và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM - nơi chị đang làm phó chủ tịch hội - khởi xướng mô hình "Gian hàng 0 đồng". Sự phối hợp này đã góp phần giải quyết được khó khăn lương thực trước mắt cho một số người dân với hơn 10 tấn hàng cho mỗi phiên chợ.
Nhà báo Đan Hà trên đường đến với người dân trong dịch COVID-19
Đại dịch mỗi ngày mỗi khốc liệt, TP HCM bước sang giai đoạn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, thành phố chưa từng bao giờ đìu hiu, hoang vắng đến vậy. Những sợi dây được giăng ra, những barie kẽm gai được dựng lên…
Dọc hai bên phố, những dãy nhà cửa im ỉm đóng. Nhưng có những nơi không yên tĩnh và hầu như không ngủ. Tiếng động cơ, tiếng còi hụ và đèn sáng thâu đêm. Đó là các bệnh viện dã chiến. Ở đó, các "thiên thần áo trắng" đang chiến đấu bằng tinh thần quả cảm của một chiến binh, ngày đêm gồng mình làm việc bằng 200% sức mình để cứu sống bệnh nhân. Họ rất cần những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để có đủ sức khỏe cho việc cứu người.
Nói về 36.475 suất đồ ăn mặn, ngọt cho bác sĩ; hơn 10.000 suất cháo chị nấu cho bệnh nhi và bà bầu F0 trong mùa dịch, Đan Hà bộc bạch: "Lúc làm, em không nghĩ gì hết, chỉ thấy thương và cảm phục sự hy sinh của lực lượng y tế tuyến đầu. Họ không khác gì chiến sĩ ngoài mặt trận. Những "thiên thần" không còn mang đôi cánh trắng, họ mặc những bộ đồ bảo hộ màu xanh kín mít đến độ phải ghi tên mình trên lưng áo để gọi nhau; những bữa cơm vội vã, những giấc ngủ vật vạ… hình ảnh ấy gợi trong em lòng trắc ẩn.
Cho nên khi được mấy cô bên Hội quán các bà mẹ nhờ nấu ủng hộ 2 bữa ăn sáng "có nước" cho các bác sĩ dễ nuốt, em nhận lời ngay. Không ngờ, nơi nhận là Bệnh viện dã chiến số 8 do các y, bác sĩ Bệnh viện Bình Dân điều hành. Em nghĩ có lẽ đó là cái duyên đưa đẩy để em có dịp tri ân các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân, bởi ở nơi đây, bố em đã có thời gian dài nằm điều trị bệnh. Em quyết định tiếp tục nấu chứ không chỉ hai bữa. Em nghĩ, bố em ở nơi cao xanh cũng sẽ rất vui. Và em tin em làm được vì đây là sở trường, là niềm đam mê của em…".
Được quý mến, hết lòng hỗ trợ
Đan Hà cũng cho biết đây là thời điểm "Ai ở đâu ở yên chỗ đó", lưu thông phân phối hầu như là đình trệ. Địa điểm đặt bếp ăn và nhân sự ở đâu để thực hiện 300 phần ăn phục vụ y, bác sĩ và 100 suất cháo cho bệnh nhi F0 vào mỗi buổi sáng? Bài toán khó nhanh chóng được giải đáp: Nhà chị, một căn hộ chung cư ở quận 7, sẽ trở thành bếp ăn và ba mẹ con chị sẽ là "đầu bếp".
Bài toán thứ hai là vật dụng nhà bếp, tất cả phải đáp ứng được tiêu chí: "Khổng lồ", ở đâu ra? Kế đến là nguồn lương thực, thực phẩm? Lời giải này nằm ở các mối quan hệ và tài ngoại giao của chị, đó là mọi người nhận xét như vậy.
Riêng Đan Hà, chị có một niềm tin mãnh liệt rằng có một năng lượng vô hình đã trợ duyên và phù hộ chị. Khi chị ngỏ lời, khách sạn Tân Sơn Nhất sẵn sàng cho mượn các dụng cụ chuyên dùng phục vụ bếp ăn tập thể của đơn vị. Đầu mối cung cấp lương thực, thực phẩm thì đã có hai công ty chuyên về thực phẩm mà chị quen thân bán cho đồ ngon, giá rẻ.
Cả mẹ và con chung sức nấu cơm từ thiện
Thế là ngày của chị bắt đầu khi các bếp nổi lửa vào lúc 2 giờ sáng. Khoảng 4 giờ, các con giúp mẹ chia đồ ăn ra từng phần đều nhau. 6 giờ 30 phút, chị tự lái xe bán tải chở thức ăn vào bệnh viện cho kịp còn nóng. Sau đó về dọn dẹp, ăn uống qua loa, nghỉ ngơi, rồi đặt mua nguyên vật liệu về sơ chế sẵn cho bữa sáng mai. Tiếp theo, chị bắt tay vào việc phân chia quà cứu trợ, mang phát cho người dân. Mỗi đêm chị còn lại hai giờ để ngủ. Và cũng không ít đêm chị thức trắng.
Việc có chân trong một nhóm từ thiện chuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân, mang lại cho chị khá nhiều thuận lợi trong công việc. Thêm nữa, do là nhà báo nên Đan Hà được cấp giấy đi đường, nhờ đó mà chị cũng có thể đưa lương thực, thuốc chữa bệnh cho F0 đến bất cứ nơi đâu, bất kể giờ nào.
Chị kể, có lần đi phát gạo và thực phẩm cho người dân bên quận 8 vào giữa đêm. Xung quanh chị, trùm kín một màn đen. Đường vắng đến độ chị nghe rõ cả tiếng côn trùng rỉ rả. Trước mặt chị, chỉ có ánh đèn xe quét trên mặt đường trống trải. Ngồi ôm tay lái, không dám nghĩ ngợi gì, chị chỉ mong mau tới chỗ. Đã một bận qua nhưng bận về không hiểu sao chị cứ loay hoay mãi. Chị mở Google Maps, nhưng Google không thể định vị được chỗ có giăng dây, rào chắn. Thế là chị cứ "đi dăm phút lại về chốn cũ…". 2 giờ sáng, ghé vào trạm kiểm soát hỏi thăm, em dân quân nói thấy xe chạy lòng vòng, tưởng xe tập lái…
Ba tháng ròng chị cần mẫn lục tung vốn liếng ẩm thực của mình làm nên kỳ tích: Ngoại trừ phở, bún bò theo yêu cầu của "thực khách", thực đơn của chị không hề bị lập lại.
Trở lại đời thường
Hôm nay, đại dịch có thể xem là đã qua, cuộc sống trở lại bình thường. Chị cũng trở lại… "đời thường".
Đời thường của chị là một người đàn bà ưa xê dịch, tràn trề năng lượng, làm việc hết mình và "yêu" cũng… hết mình. Trong đó có tình yêu chị dành cho nghề viết, cho thời trang, ẩm thực… Chị từng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Toàn Cầu, cho ra đời tạp chí Lifestyle chuyên về phong cách sống. Chị cũng từng lọt vào tốp của một cuộc thi hoa hậu quý bà. Năm 2018, chị được mời ngồi ghế giám khảo cuộc thi "Doanh nhân vào bếp" do Công ty Young Media tổ chức…
Nhà báo Đan Hà cùng đại diện các đơn vị liên kết thực hiện “Gian hàng 0 đồng”. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đời thường của chị là những ngày rong ruổi đi và viết, là bài vở biên tập sấp mặt, là những chuyến thiện nguyện không ngơi nghỉ.
Đời thường của chị là những sáng vã mồ hôi cùng các bài tập nặng để duy trì một cơ thể khỏe và đẹp, là giây phút thảnh thơi ngồi ngắm hoa và rượu, hai "thú yêu thương" chiếm lĩnh không gian nhiều nhất trong phòng khách nhà chị. Bây giờ, qua cơn đại dịch còn có thêm những tấm bằng khen được đặt trang trọng, trong đó vinh dự nhất là bằng khen do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng vì những đóng góp trong đại dịch.
Có lần chị nghe con gái nhỏ hỏi chị nó: "Khi nào mẹ hết nấu vậy chị?". Cô chị trả lời kiểu nhìn thấu tâm can mẹ: "Khi mẹ hết tiền". Tôi hỏi Đan Hà: "Đúng không?". "Đúng chị! Có điều may quá, em vừa hết tiền thì dịch cũng vừa lắng xuống".
Tôi phải gặng hỏi mãi, chị mới cho biết: Ngoài số tiền xấp xỉ 800 triệu đồng của bạn bè, người thân ủng hộ thì 6 tỉ đồng trong tài khoản của chị cũng vừa cạn. Sẽ rất nhiều người bán tín bán nghi nếu như không được chị cho xem bản sao kê và đống hóa đơn để dành làm… kỷ niệm: Ngoài các suất ăn, chị còn mua tặng các bệnh viện dã chiến như Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông, Bệnh viện 7A cùng đoàn Học viện Quân y, Bệnh viện dã chiến Quân đội và bệnh nhân F0 nhiều vật tư y tế, đồ bảo hộ, thuốc chữa bệnh, máy tạo ôxy… cùng với nhiều khoản chi tiêu khác.
Chị nói nhẹ như không: "Dịch bệnh khốc liệt, tính mạng con người ngàn cân treo sợi tóc, giữ tiền để làm gì, em chỉ mong góp phần làm cho dịch bệnh mau kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường".
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)