xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tảo tần ghe lúa nuôi con

Bài và ảnh: VÕ ĐĂNG KHOA

Với chiếc ghe lúa, đi khắp các miền quê sông nước đồng bằng sông Cửu Long suốt 20 năm, hai bác đã nuôi dạy các con ăn học thành tài

Chị tôi lấy chồng, sống trong ngôi nhà khang trang hướng mặt ra con sông gợn sóng ghe tàu. Một lần ghé thăm chị, ngồi nói chuyện với bác trai và bác gái (ba mẹ chồng của chị) tôi mới biết thuở trước hai bác làm nghề đi ghe lúa, cơ ngơi hôm nay cũng nhờ những tháng ngày đầy gian truân đó. Càng hỏi về nghề này, tôi lại càng thấy hứng thú và ngưỡng mộ. Bác trai Võ Tấn Phát và bác gái Lại Thị Huỳnh Hoa hiện cư ngụ tại ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hành trình trên những kinh rạch của hai bác bắt đầu cách đây 27 năm. Những tháng ngày lênh đênh đó, bác gái nói: "Không thể nào quên được!".

Những chuyến đi đầu tiên

Mấy năm đó vất vả, trước khi làm nghề đi ghe lúa, bác gái làm thợ may, bác trai vừa đi dạy học vừa làm mấy công ruộng trong Thoại Sơn. Nhà tới mấy miệng ăn, dù làm việc chăm chỉ nhưng không dư giả gì mấy. Năm 1995, bác gái sinh người con thứ ba, là anh rể tôi bây giờ. Một ngày, hai cha con bác trai đi ruộng thăm lúa, nhà chỉ có bà nội, mấy đứa nhỏ và bác gái. Dì Tư, một người quen biết xuống nhà chơi, nói với bà nội: "Ông Ba Địa kế nhà con, có chiếc ghe kêu bán. Hai chục triệu, có người trả mười tám triệu chưa bán". Bà gọi bác gái ra, hai người phụ nữ bàn chuyện rồi vào trong nhà mở tủ mót vét được một chỉ vàng. Số đó không được bao nhiêu nhưng quyết mua là mua, ngồi cất gói vàng trong túi, đợi ông nội về nhà.

Nghe chuyện xong, ông cầm gói vàng rồi xách xe đạp chạy một mạch, còn chưa biết trong nhà đã gom được bao nhiêu tiền rồi. Một chỉ vàng đó đặt cọc xong, ông về. Cả nhà chạy khắp chỗ quen biết để vay mượn cho đủ. Cái ghe 20 triệu đồng, bằng với 4 cây vàng thời đó, số tiền không phải nhỏ nhưng nhờ sống thuận tình chòm xóm lại có chí làm ăn nên chẳng bao lâu đã vay mượn đủ.

Chuyến đi đầu tiên, ghe lúa của hai bác đến kinh Cái Xoài, cách bến nhà không xa lắm. Trong nhà còn 500 giạ lúa, hai người lấy làm vốn cho chuyến đầu. Lúc xuống ghe, bác trai ôm theo con chó cỏ tên Bích La, khôn thần sầu; bác gái ẵm theo đứa con mới 2 tháng tuổi, đi sau. Ghe nổ máy, những đợt sóng dợn lên đạp vào mé bờ. Họ bỏ lại giấc ngủ êm trong căn buồng, nghề giáo và cả sợi thước dây đo vải lại trên đất.

Lần đó thuận lợi, ghe đầy lúa rồi nổ máy xuống Lấp Vò để đi xay. Bữa trước bữa sau vậy mà kiếm lời được 300.000 đồng. Bác gái nói trong khi lương giáo viên lúc đó một tháng chỉ có 90.000 đồng.

Chuyến sau được bạn ghe chỉ qua nhà máy xay Cao Lãnh để bán có giá hơn nhưng chỗ đó là ở đâu thì hai bác lại không biết. Lần này, bác trai mướn thêm một người theo phụ việc. Đi tới đâu hỏi đường tới đó. Tới sông Cái, ghe quẹo vô con kinh nhỏ, nước cạn nhách mà không một bóng người để hỏi thăm. Suốt một quãng đường chỉ di chuyển bằng cách chống sào mà đẩy, ghe không nổ máy được. Nước ngày một cạn, đồng đang lúc quá giờ trưa, nắng rát mặt. Lúc sau, may mắn gặp được trại vịt, mới biết là đã đi nhầm đường, buộc phải trở ra. Lời đó như đá ném đầy lên chỗ hai bác. Chiếc ghe nặng đi nhiều. Bác trai lấy dây luộc buộc vào đầu ghe, cùng với người phụ ghe lội đất kéo ngược ra. Bác gái ở trên chống sào phụ. Rã người đến tối mặt mới thấy được nước. Nghe tiếng máy nổ, chân vịt quay mà vui đến quên cả cơn đói đang cào ruột mình.

Tảo tần ghe lúa nuôi con - Ảnh 1.

Sau mùa thu hoạch, những chiếc ghe lúa về đậu ven kinh Ông Chưởng chờ chuyến đi tiếp

Lạc đường nơi vùng biên heo hút

Đi sông nước, người theo ghe làm nghề mua bán vẫn thường tin vào chuyện tâm linh. Bác gái nói mỗi lần đi mua lúa mà thấy con chó bơi ngang trước mũi ghe hay ban đêm gặp đom đóm đậu ở đầu mui thì chuyến đó "vô mánh", còn gặp con rắn nước lội đâm ngang qua đường ghe chạy là điềm xui, phải lấy nước dội ướt mũi ghe cho xui rủi trôi mất.

Một lần, ghe đến mua lúa ở tận Campuchia. Dẫu biết trước chuyến đi có thể nhiều rủi ro, đất khách khó bề xoay xở, song vì muốn kiếm lời nhiều nên bác trai quyết làm một chuyến. Chiếc ghe chỉ có bác trai và người phụ ghe, bác gái không đi được vì phải trị bệnh ở nhà.

Trời chiều ở biên giới vắng vẻ, tối nhanh, cái đèn pha của ghe bị hư giữa chừng. Xui rủi thay, lúc bác trai chui vô ghe để sửa thì người phụ ghe cầm máy vô ý, ghe đâm vô cồn, mắc cạn. Loay hoay đến đêm chờ nước lớn, xung quanh trời tối đen. Không biết đường hướng ra sao, cũng không biết tiếng Campuchia để có thể dò hỏi. May mắn giữa đêm gặp được một ông bác người Việt đi câu gần đó, ông mới chỉ đường nhìn lần theo mấy ngôi sao trên trời mà len lách về.

Một lần khác, ghe mua lúa trong một cánh rừng tại Long An. Lúa trong đó chênh lệch với bên ngoài rẻ hơn mỗi ký 1.000 đồng. Lúa đẹp, đều nhưng do mới khai hoang nên chỉ có 60 công tất cả. Con kinh đi vào rừng nhỏ chỉ vừa cái ghe chui vô, nước cũng không được lớn. Thấy xung quanh u tịch, vắng vẻ, bác trai nói nhỏ: "Lo tẩu tiền đi, có gì là bay đó". Cả hai người chia tiền ra nhiều chỗ cất giấu, còn cẩn thận đem một số lên ruộng để nhét vô đất giấu tạm, lỡ có bị cướp lục tung cái ghe thì vẫn còn một số vốn mang về. Chạng vạng thì tới nơi, trời chuyển mưa đen kịt. Chủ lúa đong xong xuôi, bác gái vừa đưa tiền là họ tức tốc lên ghe chạy về. Bác gái hay nói: "Nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Lúc đó mà cướp nó giết mình thì cũng không ai hay biết".

Tảo tần ghe lúa nuôi con - Ảnh 2.

Hai bác chụp ảnh kỷ niệm xuân Nhâm Dần

Dát vàng giấc mơ bằng... lúa

Hai bác đi một chuyến vài tuần, có khi vài tháng mới về nhưng được hôm trước, hôm sau lại phải đi tiếp. Dịp Tết, ghe được nghỉ ngơi dưới bến nhà một quãng lâu. Anh rể tôi nói lúc đó là thời điểm nhà vui nhất nhưng có một nỗi ám ảnh mà các anh chị không thể nào quên, đó là đưa ghe ra cồn.

Tảo tần ghe lúa nuôi con - Ảnh 3.

Bác trai Võ Tấn Phát và bác gái Lại Thị Huỳnh Hoa dự lễ tốt nghiệp của người con út, cũng là năm mà hai bác bỏ nghề đi ghe lúa

Ghe về đậu dưới bến, lòng ghe còn vương lại mấy hạt lúa vàng ươm, ai lại nghĩ mồ hôi người lại có màu vàng đến thế! Buổi sáng nước lớn, ba anh em chạy ghe ra cồn. Nước ở cồn lên nhanh mà rút cũng nhanh, đến trưa nước xuống cồn nổi lên, chiếc ghe phơi mình trên cát trắng. Mấy anh em tranh thủ trét dầu chai, phết dầu lên ghe. Công việc đó năm nào cũng phải làm, xong xuôi lại đợi nước lớn. Có mấy lần nước lên chậm, mãi đến tối vẫn chưa thể chạy ghe về được. Mấy anh em ăn hết đòn bánh tét rồi mà bụng vẫn còn đói meo. Anh rể tôi nói: "Nhưng bấy nhiêu đó thì không nhằm nhò gì với những chuyến ghe của ba mẹ mình".

Năm anh rể tôi tốt nghiệp đại học, bác trai và bác gái đã luống tuổi, nên đành phải chia tay chiếc ghe gắn bó biết bao kỷ niệm, dừng nghề đi ghe lúa đã theo mình cũng từng ấy năm trời. 22 năm lênh đênh hết miệt đồng này đến miệt đồng khác. Chiếc ghe đã làm nên cơ ngơi của hai bác, mà tài sản lớn nhất là 3 người con ăn học thành tài, đều có nghề nghiệp đàng hoàng.

Nghề đi ghe mua lúa kiếm được nhiều tiền, bác gái bỏ nghề may, bác trai bỏ nghề giáo, đem những giọt mồ hôi, nước mắt... để nuôi lấy ước mơ của đời mình. Những chuyến đi dù đã trở thành ký ức nhưng vất vả đó sẽ không bao giờ bị lãng quên, để khi nhắc lại mới thấy giọt mồ hôi, nước mắt nào cũng có thể lấp lánh và làm nên những mùa xanh! 

Chuyện bị trộm rọc mùng lấy tiền, dân thương hồ hầu như ai cũng từng gặp phải. Có lần ghe của hai bác còn bị mất cả cái chân vịt, lúc nổ máy dời ghe đi mới biết, vụ đó nhắc đến lại buồn cười!


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Tảo tần ghe lúa nuôi con - Ảnh 5.
Tảo tần ghe lúa nuôi con - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo