Cách đây 32 năm, tôi đã chép lại và thuộc lòng Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ khi được tham gia lớp tập huấn về công tác thể dục thể thao (TDTT): "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công…". Lời dạy giản dị và sâu sắc của Bác, cùng những tấm gương cống hiến cho phong trào của các anh chị đi trước là bài học, là hành trang cho tôi phấn đấu không ngừng.
Những bài học vào nghề quý giá
Hơn 30 năm trước, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam quê tôi chưa có công trình TDTT nào cả. Thanh thiếu niên quê tôi cũng như những huyện miền núi khác chỉ có mặt bằng trên sân bay dã chiến Mỹ thời chiến tranh, ruộng cạn, sân cơ quan để đá banh, đấu bóng chuyền. Hoạt động thể thao còn đơn lẻ tự phát, không theo luật lệ nên cũng không ít lần gây ra tranh cãi.
Tôi tốt nghiệp Trường TDTT Trung ương III tại TP Đà Nẵng năm 1988, được phân công về Tiên Phước công tác trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ: thiếu sân bãi, dụng cụ tập luyện, thiếu cộng tác viên… Những kiến thức được đào tạo trong nhà trường đến thời điểm đó tôi chưa biết phải xoay xở như thế nào để áp dụng vào thực tế ở một huyện miền núi còn bộn bề khó khăn.
Lần đầu tôi tham mưu tổ chức giải bóng đá huyện với biết bao điều bỡ ngỡ, lo lắng. Chỉ có mặt bằng khu sân bay cũ, tôi phải đi mua thân cau già để làm khung thành, mua vôi kẻ sân, đi mượn loa pin để điều hành giải… Khó nhất là khâu trọng tài, phải xin hỗ trợ của Phòng Nghiệp vụ, Sở TDTT Quảng Nam - Đà Nẵng (hồi đó chưa chia tách đơn vị hành chính).
Mười đội bóng tham dự, đội nào cũng háo hức được thi đấu. Những đội chưa mua được trang phục thì dùng áo may ô trắng, dùng sơn kẻ số áo; lại có đội đăng ký thi đấu mà không có giày.
Các anh Hòa, Hùng từ Sở TDTT lên miền núi hỗ trợ đã giúp tôi yên tâm, tự tin hơn để làm nhiệm vụ. Chúng tôi phải làm trọng tài mỗi ngày 4 trận, chỉ có 3 người, thay nhau chạy liên tục cả tuần ngoài trời. Chúng tôi vừa làm trọng tài vừa hướng dẫn nhanh trước mỗi trận đấu, hướng dẫn thi đấu theo luật bóng đá. Các tình huống thi đấu diễn ra trên sân chưa theo bài bản nào cả nên có nhiều trường hợp vận động viên nóng nảy, trọng tài phải dừng trận đấu gọi lại nhắc nhở, giải thích.
Nhiều đội lần đầu tham gia nên biết bao câu hỏi của các vận động viên để tìm hiểu về luật bóng đá; về kỹ, chiến thuật thi đấu… Làm việc ở ngoài sân xong, chúng tôi phụ trách cả các đội bóng. Vận động viên luôn tìm gặp cả giờ nghỉ trưa, cả buổi tối để hỏi han, trao đổi, khiếu nại nên chúng tôi ít có thời gian nghỉ.
Mệt quá, có lần tôi cau có. Anh Hòa động viên: "Bà con miền núi nhiệt tình với phong trào thể thao lắm. Nhưng thể thao ở miền núi còn mới mẻ thì phải kiên trì, nhẫn nại; phải tổ chức, hướng dẫn thường xuyên mới xây dựng phong trào được…". Anh Hùng thì cười và rút từ trong túi ra cặp "thẻ vàng", "thẻ đỏ" của trọng tài bóng đá, bảo: "Có lẽ phải hướng dẫn thêm vài giải đấu nữa mới có thể dùng đến cặp thẻ phạt này".
Lời bảo ban của các anh đã cho tôi bài học quý giá, giúp tôi hiểu rằng kiến thức từ trường lớp phải biết áp dụng phù hợp, sáng tạo vào thực tế.
Tác giả bài viết (thứ ba, từ trái qua) cùng các cán bộ Sở TDTT trong lớp tập huấn tại huyện Tiên Phước năm 1996
Ảnh toàn lớp tập huấn năm 1996
Mở lớp tập huấn, thi đấu võ cổ truyền
Sau lần tổ chức giải bóng đá, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm về phương pháp vận động tổ chức các hoạt động TDTT quần chúng. Vì vậy, tôi mới thấy sự cần thiết phải tham mưu tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ TDTT cho cơ sở để tiếp tục phát triển các môn.
Khi tôi đề xuất, lãnh đạo huyện Tiên Phước đã thống nhất mở lớp và đề nghị tỉnh hỗ trợ. Các anh chị cán bộ Sở TDTT Quảng Nam - Đà Nẵng lại tiếp tục khăn gói về giúp huyện.
Tôi không thể nào quên những ngày cùng các anh chị tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở: Hội trường đơn sơ; sân bãi, dụng cụ, tài liệu còn rất ít ỏi; muốn hướng dẫn kỹ thuật bơi lội thì cùng nhau đi tắm sông... Thế nhưng, tinh thần trách nhiệm của các hướng dẫn viên và học viên lúc bấy giờ luôn thể hiện rất cao. Lớp học thật nghiêm túc, các học viên đều rất tự giác tham gia và có mặt đông đủ đến phút cuối. Giữa hướng dẫn viên và học viên ngày càng trở nên gần gũi thân thương.
Những anh chị: Long, Hùng, Hòa, Thao, Chiến, Lý... là cán bộ sở và Trung tâm TDTT Quảng Nam - Đà Nẵng ngày đó đã trở nên quen thuộc với cán bộ, vận động viên, người dân quê tôi.
Tết năm 1997, để phát triển phong trào võ thuật cho các huyện miền núi, Sở TDTT cử anh Đặng Công Lý, phó trưởng phòng nghiệp vụ về huyện Tiên Phước để chuẩn bị tổ chức giải thi đấu giao hữu võ thuật cổ truyền liên huyện lần đầu tiên. Trong suốt những ngày Tết, anh Lý đã đèo tôi trên chiếc xe máy cà tàng chạy hơn mấy trăm cây số đi khắp các tuyến đường núi hiểm trở; rồi lại chạy xuống các huyện đồng bằng đến các câu lạc bộ, các "lò" võ mới được thành lập để vận động phối hợp, hướng dẫn cách tham dự giải.
Qua mấy ngày Tết, anh Lý lại tiếp tục lao vào cùng chúng tôi chuẩn bị sàn đài ngoài trời, trang trí… để kịp khai mạc vào mùng 6, khi vẫn còn không khí Tết. Do được gặp gỡ, vận động trực tiếp, năm đó các "lò" võ tham dự giải rất đông. Nhiều cụ già trên 70 tuổi cũng nhiệt tình tham gia biễu diễn các bài võ cổ truyền…
Trận chung kết giải bóng đá huyện Tiên Phước năm 1990
Kết quả ngoài mong đợi
Qua nhiều năm được xây dựng nền móng, phong trào TDTT các huyện miền núi đã phát triển. Nhiều vận động viên quê tôi đã đoạt huy chương trong các kỳ đại hội TDTT cấp tỉnh và toàn quốc. Năm 2016 - 2017, tuyển thủ karatedo Nguyễn Phi Tuấn - quê ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước - đoạt Huy chương vàng giải vô địch Đông Nam Á 2 năm liên tục…
Trong niềm vui ngày ấy, chúng tôi luôn nhắc nhớ về những anh chị cán bộ nghiệp vụ TDTT một thời gian khó đã đi gầy dựng phong trào ở miền núi, vùng cao Quảng Nam với tất cả nhiệt huyết của mình. Những đóng góp của các anh chị từ những tháng ngày gian khó nhất, cùng với sự quan tâm sâu sắc của nhà nước, của các cấp lãnh đạo đã tạo ra một thế hệ giáo viên, hướng dẫn viên, trọng tài, vận động viên trưởng thành.
Sự nghiệp TDTT ở các huyện miền núi nói chung và ở quê tôi nói riêng đã lớn mạnh không ngừng; 15/15 xã, thị trấn đã có các thiết chế TDTT (12 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới). Chỉ số sức khỏe, chiều cao, cân nặng của thanh thiếu niên, học sinh được cải thiện đáng kể. Chương trình bơi phòng chống đuối nước được xã hội hóa tích cực và thực hiện tốt nên rất ít trường hợp đuối nước xảy ra…
Tôi càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: "Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước…".
Ký ức quay về
Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam 27-3, ký ức những năm xưa lại quay về cùng bao nỗi nhớ trong tôi. Nhớ những đợt làm trọng tài, huấn luyện dài ngày, anh em nhìn nhau, mặt đen nhẻm, mái tóc vàng hoe vì dang nắng mà nụ cười trắng lóa thân thương. Nhớ những hôm cùng nhau về xã lội bộ qua núi, qua đồng để tìm vị trí phù hợp làm sân thể thao, ăn khoai chà uống nước chè xanh mà ngon đáo để. Nhớ những gương mặt vui tươi của các em thiếu niên, học sinh khi lần đầu tiên được tham gia đấu bóng chuyền, cầu lông. Nhớ cảm giác hồi hộp khi cùng anh em vận động viên về sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng tham dự giải lúc phong trào đã mạnh. Nhớ năm 1998, các anh chị vui vẻ chúc mừng khi tôi vinh dự được Ủy ban TDTT Việt Nam tặng bằng khen…
Tôi nhớ mãi những lời động viên ân cần và sự chia sẻ kinh nghiệm rất nhiệt tình, trách nhiệm của các anh chị một thời hoạt động TDTT còn gian khó mà luôn gắn bó, yêu thương.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)