Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định từ ngày 5-9 tăng giá xăng RON 92 thêm 306 đồng/lít, lên mức 17.792 đồng/lít; xăng E5 tăng 285 đồng/lít, lên mức 17.539 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 155 đồng/lít, lên mức 13.950 đồng/lít. Tính từ tháng 7-2017, đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp của giá xăng với tổng mức tăng 1.777 đồng/lít (tương đương tăng 10,8%), còn giá dầu diesel cũng đã 5 lần điều chỉnh và tăng lên 1.115 đồng/lít (tương đương mức tăng 8,6%).
Nghe ngóng lẫn nhau
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết theo thông lệ nhiều lần trước đây, cứ giá xăng dầu tăng khoảng 5% thì các doanh nghiệp (DN) vận tải sẽ nghiên cứu, lên phương án điều chỉnh giá cước để bù đắp chi phí đầu vào. "Do đó, lần này, việc giá xăng đã tăng 10,8% và dầu diesel tăng 8,6% cũng sẽ khiến các DN vận tải nhấp nhổm đề xuất phương án tăng giá cước" - ông Thanh nói.
Ông Thanh phân tích: Sở dĩ các DN kinh doanh vận tải chưa tăng cước ngay vì còn đang nghe ngóng tình hình các DN khác như thế nào. Trước sức cạnh tranh của các loại hình vận tải phi truyền thống - nhất là với loại hình vận tải áp dụng công nghệ, thường có những chương trình khuyến mại, giảm giá rất mạnh - DN vận tải truyền thống khó có thể công khai phương án tăng giá cước. Đó là chưa kể mỗi lần trình phương án điều chỉnh giá cước phải trải qua khá nhiều thủ tục hành chính.
"Không bao giờ DN chịu lỗ. Thay vì công khai tăng giá cước, họ sẽ tìm mọi cách để không phải bù lỗ, trong đó cũng không loại trừ hành vi nhồi nhét khách, tăng tải" - ông Thanh nhìn nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Ðình (Hà Nội), cho biết hiện tại, các DN kinh doanh vận tải cố định đường dài vẫn chưa có phương án xin điều chỉnh giá cước. Nguyên nhân là do sức cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt. "Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa, chắc chắn các DN sẽ phải tính toán lại giá cước vận chuyển" - ông Tuấn cho hay.
Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, so với thời điểm điều chỉnh cước taxi mới nhất, bước nhảy của giá xăng đã gần tới ngưỡng phải điều chỉnh lần nữa (gần 2.000 đồng/lít). Do vậy, các DN taxi đã bắt đầu tính tới việc điều chỉnh giá nhưng vẫn phải làm theo kiểu "vừa tính vừa đợi" vì phải xem chiều hướng giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ diễn biến ra sao.
"Giá xăng dầu nhiều khả năng sẽ tăng lên nữa trong thời gian tới. Trong trường hợp đó, việc điều chỉnh giá cước là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các DN taxi cũng sẽ phải cân nhắc rất nhiều xem nếu điều chỉnh thì ở mức nào vì còn phải duy trì khả năng cạnh tranh" - ông Bình nhìn nhận.
Nhiều doanh nghiệp vận tải đang nghe ngóng để có thể lên phương án tăng giá cước vận tải. Trong ảnh: Xe khách hoạt động ở Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội)
Cân não để tính toán
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Phòng Kế hoạch tài chính Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết từ sau ngày 2-9 đến nay, sở chưa tiếp nhận hồ sơ nào của DN thông báo về việc xin tăng cước vận tải. "Theo Thông tư 233/2016/BTC của Bộ Tài chính, Sở GTVT có chức năng tiếp nhận kê khai giá cước với tuyến cố định và taxi. Nếu đơn vị tăng giá dưới 5% tổng cước thì chỉ việc gửi văn bản thông báo, còn từ 5% trở lên thì phải được sự đồng ý của Sở GTVT" - bà Thủy lưu ý.
Ông Đào Việt Long, Trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội, cho biết trong tháng 7 và 8-2017, đơn vị này đã nhận được một số văn bản trình phương án tăng giá cước của một số DN vận tải. Tuy nhiên, các đề xuất này đều bị bác bỏ với lý do chưa thực hiện đúng theo quy định về phương án tính giá.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản về việc bình ổn giá cước vận tải hành khách bằng ô tô. Nội dung đề nghị DN rà soát các chi phí cấu thành giá; không kê khai tăng giá cước, chủ động điều chỉnh giảm giá cước, tổ chức thu giá cước theo đúng phương án đã kê khai, có văn bản và phương án gửi về Sở GTVT Hà Nội.
Một chuyên gia giao thông cho rằng trong môi trường cạnh tranh bình đẳng hiện nay, các DN phải giải bài toán cơ cấu chi phí hợp lý. Phương án tăng giá cước có được thị trường chấp nhận hay không thì DN sẽ phải cân não để tính toán.
"Cước vận tải hiện nay hoàn toàn do thị trường quyết định nên phải có sức cạnh tranh cả về mức giá lẫn chất lượng. Chẳng hạn, trước sự cạnh tranh của các loại hình vận tải như Uber, Grab..., các hãng taxi truyền thống có thể không công khai tăng giá" - vị chuyên gia này nhận định.
Không để mượn cớ tăng giá ồ ạt
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng khi giá dầu thế giới tăng, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tăng là điều hoàn toàn bình thường. Giá xăng dầu là chi phí đầu vào của rất nhiều loại hàng hóa như kinh doanh vận tải, sản xuất hàng công nghiệp sử dụng máy móc, nhiên liệu cao… Vì vậy, việc điều chỉnh giá bán hàng hóa, sản phẩm là điều hợp lý theo quy luật của thị trường.
Tuy nhiên, có tăng thì phải có giảm tương ứng. "Chẳng hạn, mặt hàng nào tăng giá cao do tác động trực tiếp, mặt hàng nào tăng giá thấp do tác động gián tiếp và phải hạn chế tối đa các trường hợp mượn cớ tăng giá xăng dầu để tăng giá ồ ạt các mặt hàng khác" - ông Long cảnh báo.
Bình luận (0)