xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuối năm lại xới tung đường

HUY THANH - SỸ ĐÔNG

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân, UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM chỉ đạo dừng cấp phép đào hè, đường và thi công đến hết Tết nguyên đán

Tại hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM, cứ đến hẹn lại lên, vào thời điểm cận Tết là các đơn vị dồn dập thi công công trình, gây trở ngại giao thông và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Ngổn ngang công trình

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường chính của TP Hà Nội như: Trường Chinh, Vành đai 3, Phạm Văn Đồng…, nhiều công trình chưa được hoàn thành, vật liệu để ngổn ngang, vỉa hè bị chiếm dụng, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Ở nhiều trục đường khác như: Hồ Đắc Di, Tô Hiệu, Đội Cấn, Hoàng Quốc Việt…, việc đào đường, lăn ủi, thi công công trình đang diễn ra cả ngày lẫn đêm. Đến ngày 25-1, một số công trình đã dừng thi công nhưng viêc hoàn trả mặt bằng thực hiện sơ sài, tạm bợ.

Cuối năm lại xới tung đường - Ảnh 1.

Người dân Hà Nội khổ sở vì nhiều tuyến phố bị đào bới, thi công dịp cuối năm Ảnh: HUY THANH

Chị Dương Thị Hà (nhà ở ngõ 119, phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, TP Hà Nội) phản ánh đường Hồ Đắc Di bị xới tung, nhiều điểm rào chắn tạo ra những "cổ chai" gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. "Vào ngày 22-1, không biết ban đêm họ đào thế nào mà sáng ra nước bùn chảy lênh láng. Một chiếc taxi đi qua đã bị sụp xuống hố đào đường, gây ùn ứ xe cộ hàng giờ, mẹ con tôi cũng trễ giờ đến trường, cơ quan. Còn những tháng qua, người dân 2 bên đường khổ sở vô cùng vì bụi mù mịt, máy móc thi công chạy ầm ầm" - chị Hà phản ánh.

Cuối năm lại xới tung đường - Ảnh 2.

Theo anh Trần Mạnh Cường (nhà ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội), việc thi công đường Đội Cấn gây ra nhiều khó khăn cho việc lưu thông, sinh hoạt của người dân. Trong quá trình thi công, nhiều hạng mục làm xong không được hoàn trả như cũ, hố chỉ lấp tạm đất đá hoặc dùng tấm thép lát ngang qua, gây mất an toàn giao thông. Va quẹt, tai nạn xảy ra như cơm bữa. Cách đây 2 ngày, một xe máy đã va vào thành tấm chắn rồi đâm vào một xe máy khác khiến 2 người bị thương.

Cuối năm lại xới tung đường - Ảnh 3.

“Lô cốt” trên đường Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8, TP HCM) chiếm nửa mặt đường, ảnh hưởng đến việc buôn bán và gây kẹt xe Ảnh: SỸ ĐÔNG

Trả lời câu hỏi về việc vì sao ở Hà Nội, đường sá thường bị xới tung vào những tháng cuối năm, nhất là thời điểm cận Tết, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho rằng một phần nguyên nhân khách quan là do phụ thuộc vào kinh phí phân bổ. Ông Tuấn dẫn chứng các dự án làm đường, xén vỉa hè, dải phân cách ở đường Láng sử dụng nguồn vốn ngân sách, tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục. Theo đó, nhiều dự án đến đầu tháng 12-2018 mới được TP thông qua kế hoạch, quyết định bố trí kinh phí. Ngay sau khi có kinh phí, để bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư buộc phải khẩn trương triển khai dự án.

Nhằm chấn chỉnh tình hình trên, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản, chỉ đạo dừng cấp phép đào hè, đường và dừng thi công các công trình từ ngày 25-1 (20 tháng chạp) đến hết Tết Kỷ Hợi 2019. UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở - ngành chức năng, chính quyền địa phương đôn đốc nhà thầu, chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện các hạng mục dở dang, tập kết máy móc về nơi quy định, thu dọn công trường, thu hẹp rào chắn để tổ chức giao thông, bảo đảm ATGT, vệ sinh môi trường.

 "Lô cốt" bủa vây, kinh doanh ế ẩm

Tại TP HCM, đến thời điểm này, trên nhiều tuyến đường vẫn ngổn ngang công trình, "lô cốt" bủa vây.

Đường Phạm Thế Hiển (quận 8) từ nhiều tháng qua trở thành "thủ phủ" của "lô cốt" do có nhiều dự án xây dựng buộc phải đào đường. Điển hình có thể kể đến là gói thầu xây dựng tuyến cống bao thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP khi có cả chục "lô cốt", mà mỗi vị trí chỉ nằm cách nhau khoảng vài trăm mét.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga thuê 2 căn nhà mặt tiền đường Phạm Thế Hiển (đoạn qua phường 4, quận 8) để bán đồ nội thất nhưng ế ẩm suốt nhiều tháng qua. "Cận Tết năm ngoái, khách ra vô tấp nập còn nay thì ngồi ngáp ruồi. Một căn thì bị lô cốt án ngữ, căn còn lại thì bị khuất tầm nhìn, ra vào khó khăn nên không ai ghé" - chị Nga rầu rĩ.

Cũng trên đường Phạm Thế Hiển, ở đoạn gần cầu Chữ Y (phường 2, quận 8) là công trình ngầm hóa đường dây 110 KV quận 8 - Chánh Hưng do Ban Quản lý Dự án điện TP làm chủ đầu tư. "Lô cốt" chiếm nửa mặt đường để phục vụ thi công công trình này khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

"Ngày nào cũng kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều. Tết đến, nhà nhà đi mua sắm mà rào chắn, "lô cốt" cứ nằm ì ra đó thì ai làm ăn được gì" - ông Trần Thanh Toàn, có nhà nằm ở khu vực thi công công trình, bày tỏ bực dọc.

Bức xúc của người dân là khó tránh khỏi bởi năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là bị "lô cốt"… ám khiến việc kinh doanh, buôn bán ế ẩm, đi lại khó khăn.

Theo danh mục các vị trí rào chắn thi công chiếm dụng mặt đường được duy trì thi công trong dịp Tết Kỷ Hợi năm 2019 do Sở GTVT TP HCM công bố thì có 69 "lô cốt" được tồn tại. Những vị trí này tập trung ở các quận 4, 5, 8, Bình Thạnh… để phục vụ thi công các công trình lớn. Trong đó, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị có số lượng nhiều nhất với 44 vị trí; Ban Quản lý Đường sắt đô thị có 11 vị trí; 14 vị trí còn lại phục vụ các dự án của Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, 2, 3.

Để không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, Sở GTVT TP HCM vừa có văn bản yêu cầu dừng thi công trên tất cả các tuyến đường, trong thời gian từ ngày 28-1 đến 12-2 (từ 23 tháng chạp đến mùng 8 tháng giêng). Đối với 69 "lô cốt" được phép duy trì, sở yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện phương án đã được chấp thuận, bảo đảm ATGT, thu gọn hàng rào công trường theo đúng kích thước cho phép để không làm ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân trong dịp Tết.

Ông Phạm Lê Lâm, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT TP HCM, nhấn mạnh đơn vị này sẽ dựa trên danh mục các vị trí rào chắn mà sở cung cấp để kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công thu dọn. Mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Đường dây nóng phản ánh "lô cốt"

Nhằm lập lại trật tự thi công công trình đường bộ trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán, Sở GTVT TP HCM công bố số điện thoại để người dân giám sát, thông báo kịp thời cho lực lượng thanh tra sở khi phát hiện các đơn vị không chấp hành nghiêm chỉ đạo dừng thi công. Các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh gồm: 0388.247.247 (do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố hạ tầng, an toàn giao thông); tổng đài 1022; số điện thoại 028.3830.0701 do bộ phận trực ban Thanh tra Sở GTVT TP tiếp nhận; số điện thoại 0913.880.906 do thanh tra viên Đội Tham mưu – Tổng hợp Sở GTVT TP làm đầu mối tiếp nhận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo