Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tại cuộc họp tối 29-8, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) đã thống nhất chưa cấp phép vắc-xin Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen; đồng thời đề nghị nhà sản xuất, nhóm nghiên cứu vắc-xin này bổ sung hồ sơ, dữ liệu dược lý, lâm sàng.
Sau khi doanh nghiệp bổ sung, cập nhật các nội dung nêu trên, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ tiếp tục xem xét, thẩm định cuốn chiếu các kết quả nghiên cứu để có thể cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trong trường hợp cấp bách.
Với nỗ lực của nhà sản xuất, giới chuyên môn kỳ vọng cuối năm 2021 đầu năm 2022, Việt Nam sẽ tự chủ được vắc-xin Covid-19 phục vụ phòng chống dịch.
Tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do trong nước sản xuất tại Trường ĐH Y Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG
Nano Covax là 1 trong 4 vắc-xin Covid-19 đang được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam, trong đó dư luận đang dành nhiều sự quan tâm cho vắc-xin Nano Covax bởi đây là vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam có tiến độ phát triển, thử nghiệm nhanh nhất. Vắc-xin sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp. Qua 3 giai đoạn thử nghiệm đã có gần 14.000 người tiêm vắc-xin Nano Covax.
Vắc-xin Covid-19 thứ 2 là Covivax do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu phát triển từ tháng 5-2020, sử dụng công nghệ vector, được nuôi cấy trên trứng gà có phôi đang thử nghiệm giai đoạn 2. Đến nay, khoảng 500 người tình nguyện tiêm vắc-xin này. Ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng vắc-xin Covivac tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Dự kiến tháng 11 tới sẽ có kết quả giữa kỳ của giai đoạn 2. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nếu 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chứng minh được độ an toàn, tính sinh miễn dịch cao, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả thì có thể đề xuất hội đồng chuyên môn xem xét, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp vào đầu năm 2022.
Hai vắc-xin còn lại là vắc-xin chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, gồm vắc-xin ARCT-154 (dựa trên công nghệ vắc-xin mRNA, tương tự vắc-xin Pfizer và Moderna) do Tập đoàn Vingroup mua công nghệ từ Công ty Arcturus (Mỹ) và vắc-xin tái tổ hợp (Recombinant SARS-CoV-2 Protein) do Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cùng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) ký thỏa thuận với Công ty Shionogi Nhật Bản.
Vắc-xin ARCT-154 vừa thử nghiệm giai đoạn 1 trên 100 người tình nguyện, dự kiến tháng 10-2021 thử nghiệm giai đoạn 2 với 300 người tình nguyện. Vingroup đang gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc-xin ARCT-154 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (TP Hà Nội). Còn vắc-xin tái tổ hợp, VABIOTECH và đối tác đầu tư chưa công bố thông tin tiến độ nghiên cứu, phát triển loại vắc-xin này.
Mặc dù vắc-xin Nano Covax chưa được cấp phép nhưng lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá bước đầu Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19. Với những kết quả như hiện nay, giới chuyên môn kỳ vọng cuối năm sẽ có vắc-xin Covid-19 "made in Vietnam". Đặc biệt, có thể cho ra đời vắc-xin có khả năng bảo vệ trước sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2.
Bình luận (0)