Ngày 2-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết Cục Thuế TP đang chuẩn bị cho vụ kiện với Công ty Uber B.V Hà Lan (viết tắt Uber B.V) trong tuần tới.
Tạm dừng cưỡng chế
Cùng ngày, lãnh đạo Tòa Hành chính TAND TP HCM xác nhận đã thụ lý đơn của Uber B.V và đã áp dụng biện pháp ngăn chặn cưỡng chế của cơ quan thuế.
Trước đó, ngày 29-12-2017, Cục Thuế TP cũng đã nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP. Theo đó, sau khi xem xét đơn của Uber B.V - đơn vị khởi kiện quyết định hành chính của Cục Thuế TP HCM, trên cơ sở điều 69 - Luật Tố tụng hành chính, TAND TP yêu cầu Cục Thuế TP tạm đình chỉ việc thi hành quyết định cưỡng chế tài khoản Uber B.V.
Ông Trần Ngọc Tâm thông tin: "Cục Thuế TPHCM đã tạm dừng việc cưỡng chế tài khoản ngân hàng đối với Uber B.V và đang chờ đợi các quyết định tiếp theo của tòa án để thực hiện việc truy thu thuế, cưỡng chế công ty này".
Cơ quan thuế xác định các tài xế là các cơ sở thường trú của Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam nên Uber B.V phải có nghĩa vụ nộp thuế Ảnh: Hoàng Triều
Theo Cục Thuế TP, trước khi có quyết định khẩn cấp của TAND TP HCM, cơ quan thuế đã gửi văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Eximbank, Sacombank, ACB, VietinBank thực hiện cưỡng chế tài khoản Uber B.V từ ngày 1 đến 10-1.
Theo đó, trong thời gian này, số tiền mà khách hàng trả cho Uber B.V sẽ chuyển vào tài khoản cơ quan thuế cho đến khi Cục Thuế TP thu đủ 53 tỉ đồng tiền thuế mà Uber B.V còn nợ. Đây là khoản thuế còn lại trong tổng số 66,68 tỉ đồng mà Uber B.V bị Cục Thuế TP ra quyết định truy thu. Trước khi yêu cầu một số ngân hàng cưỡng chế tài khoản, Cục Thuế TP thông báo cho Uber B.V biết lý do và thời gian cưỡng chế tài khoản.
Câu hỏi đặt ra là việc các ngân hàng phong tỏa tài khoản của khách hàng có đúng luật? Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định pháp luật hiện hành quy định các ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện các biện pháp cưỡng chế bằng cách trích tiền, phong tỏa tài khoản đối với cá nhân, tổ chức chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Uber phải có nghĩa vụ nộp thuế
Việc Uber B.V kiên quyết kiện Cục Thuế TP vì cho rằng quyết định cưỡng chế truy thu thuế là trái luật. Trong khi đó, ông Tâm quả quyết việc truy thu thuế, cưỡng chế tài khoản ngân hàng đối với Uber B.V là đúng quy định của pháp luật.
Theo hồ sơ vụ việc, sau khi thanh tra Uber B.V, tháng 9-2017, Cục Thuế TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỉ đồng đối với Uber B.V. Trong đó phạt hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỉ đồng; truy thu thuế gần 51,48 tỉ đồng. Ngoài ra, Uber phải nộp thêm số tiền chậm nộp hơn 4,9 tỉ đồng.
Sự việc sau đó được Uber B.V khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do không phải đóng thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan. Bộ Tài chính bác bỏ khiếu nại của Uber B.V về quyết định truy thu thuế của Cục Thuế TP.
Giải thích việc không chấp thuận khiếu nại của Uber B.V, Bộ Tài chính cho rằng trong quá trình thanh tra thuế, Cục Thuế TP đã xác định Uber B.V có thu nhập phát sinh tại Việt Nam qua việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển khách hàng thông qua các đối tác lái xe. Khách hàng thuê dịch vụ trực tiếp đặt xe trên ứng dụng Uber, Uber B.V bố trí lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng, quyết định đơn giá, trực tiếp nhận tiền thanh toán và quyết định chính sách khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng. Thu nhập của Uber B.V phát sinh từ Việt Nam thông qua các đối tác lái xe để cung cấp dịch vụ trong thời gian từ 6 đến 12 tháng liên tục. Căn cứ theo quy định về xác định cơ sở thường trú của pháp luật Việt Nam, theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa 2 chính phủ và kết quả thanh tra thuế tại Uber Việt Nam, cơ quan thuế xác định các tài xế được xem là các cơ sở thường trú của Uber B.V tại Việt Nam. "Do Uber B.V có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú nên có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định" - Bộ Tài chính khẳng định.
Ngày 13-12-2017, Cục Thuế TP ra tối hậu thư yêu cầu Uber B.V nộp số thuế bị truy thu trong vòng 10 ngày (tức không quá ngày 23-12). Tuy nhiên, hết thời hạn này, Uber B.V chỉ mới nộp 13,3 tỉ đồng.
Đại diện Uber: Chúng tôi không sai
Liên quan đến việc Uber B.V kiện Cục Thuế TP HCM, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 2-1, đại diện Uber Việt Nam nói từ trước đến nay, đơn vị luôn thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam. "Uber B.V thực hiện việc ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải, hoặc cá nhân trong nước thông qua hợp đồng điện tử. Một lần nữa chúng tôi khẳng định không làm sai và đang nỗ lực làm việc cơ quan quản lý nhà nước để tìm tiếng nói chung" - đại diện Uber Việt Nam nhấn mạnh.
Về việc Uber B.V khởi kiện Cục Thuế TP, đại diện Uber Việt Nam nói không có bất kỳ bình luận gì.
L.Phong
Bình luận (0)