Sáng 30-10, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo: Nguyễn Hồng Lam - nguyên Chủ tịch UBND, Nguyễn Xuân Tứ - nguyên Chánh văn phòng UBND và Nguyễn Đông Dương - nguyên kế toán phòng Tài chính – Kế hoạch (TC-KH) huyện Đức cơ cùng về tội "tham ô tài sản".
Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Tứ bị xử thêm tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Tuy nhiên, do vắng mặt nhiều luật sư và người có nghĩa vụ liên quan nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Các bị cáo được đưa tới phòng xét xử
Theo cáo trạng VKSND tỉnh Gia Lai, vào năm 2012, ông Lam làm Trưởng phòng, ông Tứ làm Phó phòng và ông Dương làm Kế toán phòng TC-KH huyện Đức Cơ. Lúc này, dựa vào việc Phòng TC-KH được giao thực hiện mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sỹ huyện, 2 ông Lam và Tứ đã bàn bạc, tạm ứng ngân sách huyện thông qua Hội đồng giải phóng mặt bằng (HĐGPMB, đã ngừng hoạt động từ năm 2010).
Cả 3 đã cùng nhau làm lệnh chi tiền, ký và được Kho bạc nhà nước huyện Đức Cơ xuất ngân sách, chuyển vào tài khoản của HĐGPMB số tiền 524 triệu đồng. Các đối tượng đã rút tiền, nhưng không mở sổ theo dõi thu, chi.
Từ năm 2012-2018, số tiền 524 triệu đã tạm ứng trên được chuyển nguồn. Đến ngày 9-8-2018, khi làm Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, ông Lam đã ký quyết định xuất ngân sách số 1827 để hoàn ứng. Việc ký quyết định này thực hiện trên cơ sở Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 9-1-2012 (QĐ 42) về xuất ứng ngân sách huyện cấp cho Hội đồng bồi thường và tái định cư số tiền 524 triệu.
Khi Thanh tra tỉnh Gia Lai vào cuộc, ông Tứ đã chỉ đạo làm giả QĐ 42 bằng cách soạn thảo lại quyết định, nhờ người ký nháy và phô tô chữ ký của ông Võ Thanh Hùng (Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ năm 2012) vào bản thảo, sau đó đóng dấu UBND huyện Đức Cơ (thời điểm năm 2019) nộp cho đoàn thanh tra.
Do thiếu luật sư bào chữa và nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa
Do đó, VKSND đã đủ căn cứ để kết luận khi làm Trưởng phòng TC-KH, ông Lam đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ký lệnh chi tiền, rút 524 triệu. Bản thân ông Lam biết việc mình làm là sai nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc ông Tứ, Dương sử dụng số tiền này, không có sự chỉ đạo, giám sát. Khi làm Chủ tịch UBND huyện, ông Lam ký quyết định cấp ngân sách huyện hoàn ứng số tiền 524 triệu.
Ông Lam đã đồng ý ngay từ ban đầu việc chi ứng sai nguyên tắc tài chính, kế toán lập khống chứng từ cho đơn vị đã không còn hoạt động để rút ngân sách nhà nước.
Còn ông Tứ là người trực tiếp tham mưu, bàn bạc với ông Lam để tạm ứng tiền từ ngân sách, sử dụng tiền cho chuyến công tác, chi tiêu cá nhân và chỉ đạo thuộc cấp làm giả QĐ 42.
Đối với ông Dương, ban đầu không trực tiếp tham gia cùng 2 người trên, nhưng khi nhận tiền về biết việc tạm ứng là sai quy định nhưng đã giữ số tiền mà không nhập quỹ, không mở sổ theo dõi. Số tiền này đã chi hết nhưng không chứng minh được đã chi như thế nào. Sau đó đã cùng ông Lam và ông Tứ đã soạn thảo quyết định, cấp tiền để hoàn ứng là sai quy định.
Bình luận (0)