xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Cứu sống chị gái từ lá thư gửi Thủ tướng

MINH TUỆ (ghi theo lời kể của trung tá - bác sĩ Trần Thị Thục Oanh)

Việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và chỉ đạo các ban, ngành, địa phương sửa sai đã làm tôi rất cảm động, nhớ ơn mãi không quên dù biến cố đau buồn của gia đình đã qua hơn 60 năm

Năm 1951, sau khi học xong lớp y tá của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, tôi nhập ngũ vào quân đội, làm nhiệm vụ chăm sóc thương - bệnh binh. Khi ấy, tôi mới 16 tuổi. Bốn năm sau, một biến cố lớn đã xảy ra với gia đình tôi, đúng vào dịp tôi được nghỉ phép.

Tự dưng bị quy là địa chủ

Ngày 15-3-1955, tôi có 10 ngày phép về thăm gia đình ở Đoan Hùng. Tôi vui sướng nghĩ tới giây phút mình được về thăm nhà, gặp 2 chị gái ở quê (nhà tôi chỉ còn 3 chị em, bố mẹ mất sớm từ khi tôi 12 tuổi).

Tôi cuốc bộ 2 ngày đường đồi núi từ đơn vị về quê, vai đeo tư trang cùng 3 kg gạo. Vừa về tới thị trấn Đoan Hùng, tôi giật mình khi nghe tiếng gọi: "Có phải Thục Oanh không?". Tôi nhận ra Hoạt, bạn học cùng thời phổ thông. Hoạt ôm chầm lấy tôi và mời vào nhà chơi. Sau đó, với vẻ mặt nghiêm trọng, Hoạt ghé tai tôi: "Này, nhà bạn bị họ quy là thành phần địa chủ rồi!".

Tôi nghe Hoạt nói mà muốn ngất xỉu. Choáng váng hơn, tôi còn được Hoạt cho biết: Chị Nga (chị thứ hai của tôi) đi đâu không rõ, còn chị Minh (chị cả) đang là công nhân ở xưởng quân giới thì bị bắt và quy là địa chủ. Sau đó, chị Minh cùng một chị hàng xóm (cũng bị quy là địa chủ) bị đưa vào rừng lim. Họ đưa các chị ra đó được khoảng 1 tháng rồi.

Hoạt khuyên tôi đừng về nhà mà cứ ở nhà bạn ấy, khi nào hết phép thì lên đơn vị. Tôi rớt nước mắt tâm sự với Hoạt về hoàn cảnh gia đình mình.

Nhà tôi từng bị giặc Pháp đốt. Mẹ tôi mất sớm, bố thì bị địch bắt và giết hại ở mặt trận Sông Lô vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Mồ côi bố mẹ, 3 chị em tôi phải ở nhờ nhà người mợ. Sau đó, hàng xóm dựng lên cho chúng tôi một túp lều để ở tạm. Trước năm 1947, bố mẹ tôi đã ủng hộ toàn bộ của cải cho kháng chiến, không hiểu sao gia đình tôi lại bị quy là địa chủ. Chính anh rể và chị gái thứ hai của tôi từng bị giặc Pháp bắt, tra tấn vì chúng biết bố tôi hoạt động Việt Minh ở chiến khu...

Mặc cho Hoạt can ngăn, sau khi ăn cơm tối xong, tôi quyết định hỏi đường vào rừng lim để tìm chị gái. Trời tối hẳn, tôi mang theo 3 kg gạo, đi qua sông Lô bằng đò ngang rồi bắt đầu băng rừng tìm chị. Đến khoảng 20 giờ, dưới ánh trăng, tôi thấy một khu rừng bạt ngàn cây to và rùng mình nghĩ tới thú dữ. Nhưng tôi cứ đi liều, đi mãi...

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Cứu sống chị gái từ lá thư gửi Thủ tướng - Ảnh 1.

Ba chị em thời trẻ: Chị cả Trần Thị Minh (bên phải), Trần Thị Thục Oanh (giữa) và chị Trần Thị Nga. (Ảnh do bà Trần Thị Thục Oanh cung cấp)

Đi được 30 phút thì tôi thấy một chấm sáng. Tôi đoán có lẽ đây là ánh đèn dầu, chỗ 2 người đang bị giam. Nghe tiếng bước chân của tôi, từ xa đã thấy giọng van xin cất lên: "Con lạy các ông đội, cả ngày nay chúng con chỉ xuống suối lấy nước về chứ không đi đâu ạ". Tôi liền chạy tới và kêu lên: "Em đây các chị ơi!" rồi mở tấm liếp che cửa lên. Trong đêm tối giữa rừng già, chúng tôi ngồi ôm nhau, khóc lóc thảm thiết...

Tôi thấy 2 chị đều gầy rộc. Với vẻ mặt đau khổ, các chị kể lại việc bị đấu tố rồi đưa vào rừng. Họ làm cho 2 người một túp lều, cho đem theo quần áo, dao, cuốc và xoong nồi, bát đĩa. Hai chị ăn dè sẻn đến ngày thứ 20 thì hết gạo, phải đi mót sắn, đào củ mài, hái rau rừng để ăn. Một người hàng xóm đi lấy củi đã thương tình ghé vào cho 2 người ít muối trắng, vài củ sắn...

Tôi nghe 2 chị kể mà nước mắt lưng tròng. Lấy trong balô ra 3 kg gạo cho 2 chị, tôi bảo phải giấu kín kẻo mai các "ông đội" biết sẽ tra hỏi. Hai chị liền đào một chiếc hố ở gầm giường để chôn túi gạo, phủ đất và lá khô lên trên. Tôi bảo mình chỉ ở lại đêm nay, sáng sớm phải ra khỏi rừng kẻo bị phát hiện thì sẽ khổ cả 3 người.

Đêm ấy, 3 chị em thức trắng, nằm ôm nhau khóc... 4 giờ sáng, tôi chia tay 2 chị ra đi, lòng đau như cắt.

Ra khỏi rừng, tôi tìm đến trụ sở UBND xã, thấy 2 ông "đội cải cách" đang ngồi trực. Tôi đến chào họ và bảo: "Tôi được đơn vị cho về nghỉ phép 10 ngày thăm nhà, không rõ các chị gái tôi ở đâu, nhờ các anh chỉ giúp?". Họ cho biết: "Hai người ấy đều là thành phần địa chủ, địa chủ Nga chúng tôi chưa tìm thấy, chỉ có địa chủ Minh đang giam ở nơi khác, không cho ở nhà nữa".

Chào 2 "ông đội", tôi vào nghĩa trang thắp hương cho mẹ. Ngồi bên mộ mẹ, nước mắt tôi rơi lã chã, lòng dạ xót xa khi nghĩ tới bao biến cố đã ập đến gia đình mình...

Chị gái được minh oan

Tôi ở lại nhà Hoạt một ngày rồi về đơn vị. Mấy ngày liền, tôi cứ suy nghĩ, trăn trở mãi và thấy thật vô lý khi gia đình mình đã đóng góp tài sản cho kháng chiến, nhà bị giặc Pháp đốt, bố bị địch giết hại... mà lại bị quy là địa chủ.

Tôi quyết định viết một lá đơn kể về hoàn cảnh gia đình mình và gửi tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lá đơn được tôi giữ kín, không cho ai biết.

Một tuần sau, tôi được cán bộ đơn vị gọi lên. Chính ủy Quân y Viện 9 hỏi tôi, giọng gay gắt: "Có việc gì mà đồng chí Oanh gửi đơn lên Thủ tướng, lại không thông qua đơn vị?". Sau đó, Chính ủy đơn vị đưa cho tôi một phong bì khá to và bảo bóc ra đọc.

Tôi nhìn bì thư đề:"Văn phòng Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi đồng chí Trần Thị Thục Oanh - Khoa Ngoại Quân y Viện 9 - Vĩnh Yên" mà run cầm cập.

Bên trong phong bì là công văn đánh máy có dấu đỏ và chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nội dung viết: "Văn phòng Chính phủ đã nhận được đơn của đồng chí gửi Thủ tướng. Chúng tôi đã gửi công văn về huyện Đoan Hùng để địa phương xem xét trường hợp của gia đình đồng chí. Đề nghị đơn vị tạo điều kiện cho đồng chí Thục Oanh được về huyện Đoan Hùng để giải quyết...".

Cán bộ đơn vị bảo tôi: "Do có ý kiến của trên nên ngày mai, đồng chí cầm công văn của Thủ tướng và giấy giới thiệu của đơn vị để về địa phương giải quyết việc gia đình".

Tôi nhớ mãi ngày 2-4-1955, ngày mà tôi đã nắn nót ghi trong nhật ký, ngày tôi được về cứu chị cả sau hơn 1 tháng chị bị giam trong rừng.

Sau 2 ngày đạp xe từ đơn vị về Đoan Hùng, tới trụ sở huyện, tôi được chủ tịch UBND huyện tiếp. Tôi trình bày sự việc và đề nghị địa phương xem xét, minh oan cho chị gái mình. Sau đó, xã và huyện đã thống nhất trả tự do cho chị gái tôi, cho chị tiếp tục về làm việc tại xưởng quân giới ở Bắc Kạn. Sau này, do luân chuyển công tác ở nhiều đơn vị nên tôi cũng không rõ thân phận chị hàng xóm tên Cúc cùng bị giam với chị gái tôi ngày ấy ra sao.

Biến cố đau buồn của gia đình tôi đã trôi qua từ cách đây hơn 60 năm. Chị Minh - người chị cả được minh oan trong câu chuyện tôi kể - cũng đã khuất bóng từ năm 2011. Song, sự quan tâm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho gia đình tôi; việc Thủ tướng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để chỉ đạo các ban, ngành, địa phương sửa sai đã làm tôi rất cảm động.

Với tôi, việc chị gái được cứu sống từ lá đơn gửi Thủ tướng năm ấy đã trở thành kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên trong suốt cuộc đời mình. 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Cứu sống chị gái từ lá thư gửi Thủ tướng - Ảnh 2.
Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Cứu sống chị gái từ lá thư gửi Thủ tướng - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo