Tại Hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP HCM, tổ chức ngày 26-10, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhiều nội dung liên quan đến việc xử lý vi phạm trong thu phí ôtô đậu dưới lòng đường mà TP đang triển khai.
Cưỡng chế xe vi phạm
Theo Sở GTVT TP HCM, hiện sở này đã dự thảo xong quy trình xử lý vi phạm liên quan đến thu phí đậu ôtô dưới lòng đường theo 2 phương án. Phương án 1, căn cứ theo Luật Phí và Lệ phí, quy định xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, để xử lý các hành vi như đậu xe không trả tiền, đậu quá thời gian đăng ký... Phương án 2, căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB, đường sắt.
Đường Lê Lai (quận 1), một trong các tuyến tổ chức thu phí đậu ôtô dưới lòng đường đang triển khai tại TP HCM
Trong đó, theo quy định về Luật Phí và Lệ phí, thẩm quyền xử lý VPHC do các ngành thuế, tài chính, UBND cấp xã - huyện. Vì vậy, với các vi phạm về phí trong lĩnh vực sử dụng lòng đường, hè phố, các lực lượng như CSGT, Thanh tra giao thông (TTGT), lực lượng hỗ trợ thu phí như thanh niên xung phong (TNXP)... không có thẩm quyền, dẫn đến nhiều trường hợp tài xế "chây ì" không đóng phí, trước sự bất lực của lực lượng hỗ trợ thu phí.
Do đó, TP HCM kiến nghị Bộ GTVT bổ sung CSGT, TTGT hoặc các lực lượng khác có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử lý đối với các hành vi không chấp hành đóng phí đậu xe. TP cũng kiến nghị được thí điểm 6 tháng thực hiện cưỡng chế các trường hợp vi phạm dừng, đỗ, không đóng phí.
Theo dự tính ban đầu, doanh thu ở các tuyến đường tổ chức thu phí đậu ôtô có thể đạt 1 tỉ đồng/ngày. Thế nhưng, sau thời gian triển khai, tình trạng thất thu xảy ra nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng. Thậm chí, tháng 4-2019, thu chỉ được 4 triệu đồng, tức trung bình mỗi ngày thu 135.000 đồng ở 23 tuyến đường.
Không còn thu phí qua tin nhắn
Đó là một trong những nội dung mới sẽ áp dụng trong thu phí đậu ôtô dưới lòng đường. Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng GTĐB, Sở GTVT TP HCM, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo không áp dụng thu phí gửi xe qua tin nhắn mà yêu cầu thanh toán qua ngân hàng cùng các ví điện tử. Hiện các đơn vị đã thực hiện xong việc kết nối từ hệ thống thu phí với một số ví điện tử có lượng người sử dụng lớn như Momo, Zalo Pay... và đang chuẩn bị triển khai.
Trước nay, ôtô đậu dưới lòng đường trên 23 tuyến có thu phí thanh toán thông qua nhắn tin SMS tới đầu số 1008 hoặc Viettel Pay trên ứng dụng MyParking. Việc thanh toán này bộc lộ nhiều bất cập, bởi nếu không sử dụng thuê bao Viettel thì không thể gửi xe và thanh toán. Dù Viettel đã tích hợp nhiều phương thức thanh toán trên ứng dụng, cụ thể như kết nối tài khoản thanh toán với 40 ngân hàng, tích hợp nhắn tin trả phí qua tài khoản của các nhà mạng khác như MobiFone, VinaPhone... nhưng do vướng ở khâu đấu thầu mở rộng nhà mạng, làm hình thức thanh toán hạn chế.
Ông Ngô Hải Đường cho hay Sở GTVT đã rà soát lại các tuyến đường có vị trí dừng, đỗ xe ở khu trung tâm, lên phương án quản lý song song, phù hợp với các tuyến tổ chức thu phí đậu xe. Ngoài ra, các bãi đậu xe tại khu trung tâm TP hiện cũng đã lên danh sách và phía Sở GTVT đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan đưa lên hệ thống. Với riêng việc xử phạt, hiện đã hoàn chỉnh phương án và đã trình UBND TP. Các bên cũng đã xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình triển khai những giải pháp nêu trên, ký hợp đồng với phía Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích TNXP, rà soát và hoàn chỉnh công nghệ...
"Vấn đề về kỹ thuật cơ bản đã xong và hiện chỉ còn chờ các thủ tục, trong đó với tình trạng thu thấp hơn chi, bài toán kinh tế đang tiếp tục được hoàn chỉnh và cân đối" - ông Ngô Hải Đường khẳng định.
Trong khi đó, trước hiện tượng cát cứ tại các điểm đậu xe như các hộ kinh doanh có mặt tiền tại vị trí đỗ, đại diện Sở GTVT cho biết phương án đưa ra là có thể áp dụng thu phí theo tháng đối với các hộ này. Ngoài ra, Sở GTVT cũng đang điều chỉnh linh hoạt trong việc tăng thêm các tuyến đường tổ chức thu phí và giảm những tuyến ít nhu cầu đậu xe.
Giảm lượng ôtô đậu ở lòng đường
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, khẳng định mục tiêu tổng thể của việc tổ chức thu phí như trên là nhằm hạn chế lượng xe đậu dưới lòng đường, tạo sự thông thoáng và bảo đảm an toàn giao thông. "Nhu cầu đậu xe đó không mất đi mà chuyển qua các bãi đỗ xe tại trung tâm thương mại, cao ốc... Vì vậy, thực tế mục tiêu này đã đạt được nhiều hiệu quả, các tuyến tổ chức thu phí đã giảm hẳn lượng xe tới đậu, giao thông ổn định hơn. Đó là mục tiêu tổng thể mà TP muốn hướng tới. Những tồn tại, bất cập thì các giải pháp đang từng bước được thực hiện để chặt chẽ, cân đối và phù hợp hơn" - ông Hưng nói.
Hơn 60.000 lượt tải ứng dụng MyParking
Liên quan việc triển khai thu phí đậu ôtô trên 23 tuyến đường, theo đại diện Tập đoàn Viettel, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm thu phí, hiện có hơn 60.000 lượt tải ứng dụng đậu xe MyParking. So với khoảng 730.000 ôtô có trên địa bàn TP HCM, số lượng trên chiếm chưa đến 10%. Để đầu tư công nghệ và duy trì hệ thống thu phí, ước tính đơn vị này đã bỏ ra khoảng 10 tỉ đồng. Tại các vị trí tổ chức thu phí đậu xe hiện cũng đã có khoảng 263 camera được lắp đặt. Tuy nhiên, đang trong quá trình thí điểm nên đơn vị này chưa thu về khoản nào.
Về chi trả cho lực lượng thu hộ phí, theo Sở GTVT TP, việc thu phí hiện trong giai đoạn thí điểm và mới có phương án chi trả cho các lực lượng trật tự đô thị của các quận 1, 5 và 10 của năm 2018 (lực lượng thu phí trước đây). Còn từ đầu năm 2019 tới nay đang tiếp tục hoàn chỉnh.
Bình luận (0)