Sau khi Bộ GTVT đồng ý khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi và đến TP Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 7-9, rất nhiều người miền Trung đang sinh sống, lao động và học tập tại Đà Nẵng bày tỏ thắc mắc nếu có nguyện vọng trở về quê hương thì có bị cách ly tập trung hay không?
Quảng Nam- Quảng Ngãi: Không cách ly
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu người dân từ TP Đà Nẵng về và có lưu trú tại tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt "Thông điệp 5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế, gồm: Đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách và khai báo y tế. Ngoài ra, người dân phải tự theo dõi sức khoẻ, báo cáo với Tổ Giám sát và Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng (nơi lưu trú) biết để giám sát. Đối với người từ TP Đà Nẵng đi Quảng Nam và về trong ngày phải thực hiện tốt "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế. UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công an tỉnh duy trì các chốt kiểm soát, nhất là vùng giáp ranh với TP Đà Nẵng để góp phần ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam tiếp tục duy trì trạm kiểm soát dịch Covid-19
Sáng ngày 7-9, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (Trưởng Ban chỉ đạo và phòng, chống dịch Covid-19), cho biết tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định nới lỏng một số hoạt động trong tình hình mới theo tinh thần tại cuộc họp chiều 4-9. Theo báo cáo Sở Y tế Quảng Ngãi, đến nay, Quảng Ngãi đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Toàn tỉnh đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, tập trung ổn định sản xuất và hoạt động các khu dịch vụ... Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất người dân, doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo, tạm dừng Quyết định 1254 của UBND tỉnh ban hành ngày 25-8, cho phép mọi hoạt động trở lại bình thường.
Tức là, cho phép hoạt động du lịch đến Lý Sơn được tổ chức đón khách trở lại. Tạm dừng 6 chốt kiểm tra y tế đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn sẽ duy trì chốt chặn đường biển, chưa cho hoạt động trở lại dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage. Đối với người dân đi về từ vùng có dịch như Đà Nặng sẽ không tổ chức cách ly tập trung nhưng người dân phải có xác nhận không mắc Covid-19 của ngành y tế tại nơi đi. Tiếp tục tổ chức cách ly tập trung các trường hợp đi về từ địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, các trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh Covid-19…
Huế- Bình Định- Quảng Bình- Quảng Trị: Cách ly 14 ngày
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến ngày 7-9 địa phương này vẫn quyết định tiến hành cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương.
Theo lý giải thì hiện Đà Nẵng vẫn đang thực hiện giãn cách, dù có nới lỏng nhưng theo quy định của Quyết định 07/2020/QĐ-TTg ngày 26-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thì chưa qua 28 ngày phát hiện trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2 nên hiện vẫn áp dụng biện pháp cách ly.
Những người từ Đà Nẵng về Thừa Thiên- Huế sẽ được cách ly 14 ngày
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đang nghiên cứu nới lỏng thêm một số biện pháp giám sát người từ vùng dịch về, trong đó có Đà Nẵng.
Đến ngày 7-9, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tiến hành cách ly tập trung 1.074 người đến từ các địa phương nói trên. Đồng thời vẫn đang duy trì các chốt kiểm soát trên các tuyến đường giáp với Đà Nẵng và Quảng Trị.
Tiến hành phun thuốc khử trùng để tiếp nhận công dân vào khu cách ly tập trung ở Thừa Thiên- Huế
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện quy định cách ly tế tập trung đối với những người đến/ở/về từ TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để ngăn chặn, phòng ngừa nguồn lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần đảm bảo học tập, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt an toàn; tuyên truyền vận động, khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng, bên ngoài các trường học, trụ sở làm việc, rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…
Huế tiếp nhận công dân cách ly
Tại tỉnh Quảng Trị, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết đối với người từ Đà Nẵng đến địa phương hoặc người Quảng Trị trở về từ Đà Nẵng phải áp dụng cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Dự kiến ngày 10-9, tỉnh Quảng Trị sẽ đón khoảng 300 công dân tỉnh này đang tạm trú tại TP Đà Nẵng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 để đưa về quê theo nguyện vọng. Những công dân sau khi được đưa về quê sẽ được đưa vào khu cách ly y tế tập trung theo quy định.
Tính đến nay, tỉnh Quảng Trị ghi nhận 7 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong, 2 trường hợp đã được chữa khỏi và xuất viện trở về nhà.
Trả lời Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết việc công dân Quảng Bình đang sinh sống, lao động và học tập tại vùng dịch Đà Nẵng có nguyện vọng trở về quê hương sau khi thành phố này đã "nới giản khoảng cách" vẫn sẽ được cách ly, theo dõi tại nhà 14 ngày và phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, biện pháp về cách ly phòng chống dịch Covid-19.
"Khi rà soát đối với 1 số trường hợp đã từng đến những địa danh có dịch mà Bộ Y tế đã thông báo có nguy cơ lây nhiễm thì buộc phải cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần" – ông Cường thông tin.
Người từ vùng dịch muốn đến Thừa Thiên - Huế cần những điều kiện gì?
Ngày 7-9, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng dịch khi công dân từ vùng dịch đến địa phương này với mục đích cá nhân.
Theo đó, kể từ ngày 7-9, người nào muốn đến Thừa Thiên – Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện trực tuyến trước tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt. Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên - Huế, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi đến các chốt kiểm tra liên ngành.
Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên - Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Trường hợp có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại thì phải lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm PCR trước đó. Kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm, người có nhu cầu chi trả và họ phải đăng ký lại tại địa chỉ nêu trên.
Phương tiện vận chuyển khi đến Huế thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6830/UBND-CT ngày 1-8 và Công văn số 7186/UBND-GT ngày 11-8 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về phương án vận chuyển, cung ứng hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19; hoặc người dân phải chủ động phương tiện cá nhân, được phun khử khuẩn tại chốt kiểm tra, đi thẳng không được dừng đỗ để đến điểm đến đã đăng ký và đã được phê duyệt.
Người dân muốn đến Thừa Thiên - Huế phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ
Trong quá trình sử dụng phương tiện cá nhân nêu trên, thời gian lưu trú tại Thừa Thiên - Huế không được chở hoặc để người khác lên xe, không được sử dụng xe vào mục đích khác. Sau khi vào địa bàn tỉnh, yêu cầu tuân thủ nghiêm quy tắc 5K: Khai báo, khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người; và quy định phòng chống dịch của tỉnh trong suốt thời gian cứ trú.
Bình luận (0)