Ngày 31-10, Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện dự thảo đề án thu phí phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào khu vực trung tâm TP. Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với đề án và cho rằng cần phải chờ luật thông qua.
Thí điểm từ 2023
Theo đề án do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng báo cáo tại hội nghị, việc xây dựng phương án thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào khu vực trung tâm TP là phù hợp với tình hình thực tiễn của TP Đà Nẵng. Việc thu phí này nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hướng tới một thành phố có hệ thống giao thông hiện đại, bền vững.
Theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, việc thu phí không nhằm tăng thu ngân sách mà để đáp ứng yêu cầu phân luồng chung cho TP. Theo đó, khi qua hệ thống thu phí, người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu phí theo quy định hoặc cân nhắc đi các tuyến đường thay thế, đi ngoài thời gian thu phí hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng.
Theo đề án, Đà Nẵng dự tính thu phí phương tiện vào nội đô từ 2023 đối với ô tô con, xe khách, xe tải và từ 2025 sẽ thu phí xe máy
Mô hình thu phí dự kiến sẽ đặt ở các trục đường chính và vùng lõi khu vực trung tâm có lưu lượng giao thông lớn, nguy cơ ùn tắc cao. Đề án cũng tính toán chính sách ưu tiên đối với những ôtô con thuộc sở hữu của người có hộ khẩu trong khu vực thu phí.
Lộ trình thực hiện dự kiến bắt đầu năm 2023. Cụ thể, đến 2023 thực hiện thí điểm thu phí trên 2 trục đường chính là Lê Duẩn và Nguyễn Văn Linh. Năm 2025 sẽ thực hiện đánh giá kết quả thí điểm và nghiên cứu thu phí vùng lõi khu vực trung tâm gồm nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Thọ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng, 2 Tháng 9… Đến năm 2030 và sau 2030 sẽ nghiên cứu mở rộng và ứng dụng phương án thu phí theo khoảng cách đi lại.
Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thu phí đối với 3 loại phương tiện gồm: ôtô con, xe khách và xe tải. Sau năm 2025 sẽ nghiên cứu thu phí xe máy.
Nên chờ luật thông qua
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng chưa nên thông qua đề án mà phải chờ Quốc hội thông qua luật thu phí đối với phương tiện giao thông vào nội đô.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, TP HCM và Hà Nội cũng đã có đề xuất tương tự nhưng tới nay chưa thực hiện do vướng vấn đề pháp lý. "Đà Nẵng nên chờ Quốc hội, đồng ý ghi vào luật, cho phép thu phí phương tiện vào nội đô" - ông Tiếng nói, đồng thời cho rằng thu phí để chống kẹt xe giờ cao điểm sẽ không đạt hiệu quả bởi đưa đón con đi học thì không thể chờ đến hết giờ cao điểm, dù tốn tiền người dân vẫn phải lựa chọn đi vào.
Theo ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng, giải pháp chống ùn tắc nội đô có nhiều phương án, tại sao phải nhất thiết chọn phương án thu phí. "Khi thực hiện đề án, chính quyền có cam kết giảm kẹt xe không?" - ông Hải nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, cho rằng nếu người dân mất tiền đóng phí mà vẫn tái diễn kẹt xe thì ai chịu trách nhiệm. Ông Thiết không đồng tình với đề án và đề nghị không thông qua.
Đà Nẵng "ùn chứ chưa tắc"
KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP Đà Nẵng, cho biết hiện trạng giao thông của Đà Nẵng chỉ mới "ùn chứ chưa tắc", còn nhiều giải pháp khác thay vì đề xuất thu phí. Việc ùn tắc giao thông ở nội đô Đà Nẵng là do ôtô đậu đỗ trên đường, khoảng cách đi lại trong nội đô ngắn...
"Trước hết cần phải hạn chế phương tiện, cụ thể là nếu cá nhân mua ôtô thì cần có điều kiện là bảo đảm chỗ đậu xe trong nhà. Bên cạnh đó, cần phải quy hoạch hạ tầng bãi đỗ xe" - ông Hải đề nghị.
Bình luận (0)