Đà Nẵng: Hơn 4.000 nhà dân ngập chìm trong nước lũ
Đến chiều 6-11, mực nước lũ tại các xã Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đang bắt đầu xuống chậm nhưng vẫn đang ở mức cao. Thống kê cho thấy mưa lũ hơn hai ngày nay đã khiến hơn 4.000 nhà dân, khoảng 100 ha hoa màu và thủy sản trên toàn địa bàn TP bị ngập chìm gây thiệt hại nặng.
Người dân ở xã Hòa Liên bị nước lũ làm cô lâp hai ngày nay
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ cho biết, lúc 4 giờ sáng 6-11, mực nước sông Cẩm Lệ tại Đà Nẵng đạt 2,45m, dưới báo động 3 là 0.05m. Nước lũ dâng cao tiếp tục gây ngập sâu tại toàn bộ các thôn của các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và hai phường Hòa Qúy, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ).
Trong sáng cùng ngày 6-11, UBND huyện Hòa Vang đã huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ di dời dân ở những vùng có nhà bị ngập sâu đến nơi an toàn như trường học, nhà văn hóa, UBND xã.
Người dân liều mình lội vượt nước lũ để mang thực phẩm về cho người thân
Do mọi tuyến đường dẫn vào nhà dân bị chia cắt nên người dân buộc phải di chuyển bằng ghe, thuyền hết sức nguy hiểm. Hầu hết nhà cửa của người dân đều bị ngập quá nửa nhà, có nhiều nhà nước lũ dâng gây ngập tới nóc. Toàn bộ 11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đều rơi vào tình cảnh ngập lụt và mênh mông nước.
Đến 15 giờ chiều 6-11, hầu hết cá tuyến đường bê tông liên thôn, nhà cửa, ruộng vườn của người dân vẫn đang bị ngập chìm trong dòng nước lũ. Tại thôn Quang Nam 1 và 3, xã Hòa Liên, nước lũ làm cô lập hàng trăm hộ dân do nằm ở vùng thấp trũng. Tại khu vực thôn Cẩm Nê, xã Hoàn Tiến, do nước lũ gây ngập sâu nhiều nhà dân hơn 1,5m đã khiến người dân không thể ra ngoài mua lương thực nên chiều 6-11, lực lượng Công an xã đã dùng xuồng vận chuyển hơn 20 két mì ăn liền cùng nước uống đến từng hộ dân trong thôn.
Mực nước lũ tại các xã của huyện Hòa Vang đang xuống rất chậm và còn ở mức cao
Nước lũ dâng liên tục trong ngày 6-11 đã khiến một phần tuyến đường DT 601, đoạn qua thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên và xã Hòa Bắc và tuyến đường liên thôn 1, xã Hòa Ninh đang bị sạt lở nặng. Hiện nay, mực nước lũ đang rút nhưng ở mức rất chậm. Những nơi ngập sâu như tại xã Hòa Tiến, Hòa Nhơn, chính quyền huyện Hòa Vang đã cho triển khai phương án sơ tán dân để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, tại tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường vành đai 3 đi quận Ngũ Hành Sơn, đoạn qua xã Hòa Phước đang bị nước lũ dâng gây ngập hơn 0,5m khiến giao thông bị ách tắc.
Lực lượng cứu hộ xã Hòa Tiến dùng ghe để trao mì tôm và nước uống cho nhiều hộ dân trong thôn Cẩm Nê đang bị nước lũ làm cô lập
Qua trao đổi, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết mưa lũ nhiều nay qua đã khiến hơn 4.000 nhà dân, khoảng 100 ha hoa màu và thủy sản ở vùng ven sông Cu Đê, Túy Loan bị ngập úng gây hư hại hoàn toàn.
Hơn 4.000 nhà dân ở TP Đà Nẵng đang bị ngập chìm trong nước lũ
"Riêng trong ngày 6-11, UBND huyện sẽ cử các đoàn kiểm tra và sơ tán gấp các vùng ngập nặng. Đối với vùng đã ngập sâu, sẽ có phương án để bảo đảm cuộc sống của người dân. Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã có văn bản cho phép học sinh các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang và một số trường tại quận Cẩm Lệ được nghỉ học, chờ lũ rút để đảm bảo an toàn" – ông Hành thông tin.
Quảng Trị: Lũ cuốn trôi cầu tạm, hàng trăm hộ dân bị chia cắt
Nước sông Đakrông dâng cao, chảy xiết khiến hệ thống cầu tạm dẫn qua khu tái định cư thôn Húc Nghì bị nước cuốn trôi khiến hàng trăm hộ dân bị chia cắt và các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn phải cho học sinh nghỉ học.
Ngày 6-11, ông Hồ Văn Nhua, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết mưa lớn kéo dài những ngày qua đã làm hệ thống cầu tạm trong thời gian sửa chữa dẫn qua khu tái định cư thôn Húc Nghì bị nước cuốn trôi khiến 102 hộ dân bị cô lập và hàng trăm học sinh mầm non, tiểu học phải nghỉ học.
Cầu tạm dẫn vào khu tái định cư Húc Nghì bị hư hỏng nặng (Ảnh M.H)
Theo quan sát, cầu tràn Húc Nghì bị nước cuốn trôi, hư hỏng một đoạn dài khoảng 15 m. Các phương tiện giao thông không thể qua lại được nên người dân phải lội theo mép mố cầu rất nguy hiểm. Trước đó, trận lũ năm 2016 đã làm chiếc cầu tràn này hư hỏng nặng, người dân khắc phục bằng cách dựng cầu tạm để phục vụ việc đi lại, nhưng nay tiếp tục gặp sự cố.
"Ngay ngày mai, xã sẽ huy động lực lượng đoàn thanh niên tiến hành bắc cầu gỗ tạm để học sinh đi học và người dân đi lại. Hiện, Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện Đakrông cũng đã đến hiện trường để tiến hành khảo sát, bổ sung hồ sơ thiết kế để tiếp tục sửa chữa chiếc cầu này", ông Nhua nói.
Được biết, cầu tràn Húc Nghì nằm trong các hạng mục đầu tư xây dựng ở khu tái định cư thôn Húc Nghì với kinh phí 70 tỉ đồng và được tiến hành xây dựng vào năm 2014.
Bình luận (0)